Tây Hồ nỗ lực tổ chức thành công “Vũ điệu kết đoàn” cấp thành phố
Với tư cách “chủ nhà”, cán bộ và Nhân dân quận Tây Hồ đang tích cực tập luyện, để chương trình diễn ra thành công tốt đẹp.
Kỷ lục về số lượng người tham gia
Theo dự kiến, Chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 17 - 19/11/2023 với nhiều nội dung đặc sắc, được chuẩn bị công phu. Trong đó, “Vũ điệu kết đoàn” với sự tham gia của 1.200 cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận Tây Hồ (tối 18/11) sẽ là điểm nhấn cuối cùng, khép lại chương trình kỷ niệm.
Cán bộ, Nhân dân quận Tây Hồ tích cực tham gia luyện tập cho "Vũ điệu kết đoàn".
Và để chuẩn bị cho “Vũ điệu kết đoàn”, những ngày qua, khắp các khu phố, khu dân cư, không khí luyện tập đã được cán bộ, Nhân dân quận Tây Hồ đẩy lên ở mức cao nhất. Tại bất cứ đâu, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất đều xoay quanh việc tập luyện những điệu múa, điệu nhảy của chương trình.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ, việc thành phố lựa chọn quận Tây Hồ là địa điểm tổ chức chương trình Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 là niềm vinh dự lớn cho cán bộ, Nhân dân quận. Hiện tại, cùng với việc chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… quận Tây Hồ cũng tích cực luyện tập cho sự thành công của “Vũ điệu kết đoàn”.
“Đây là điệu múa có sự tham gia của cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận Tây Hồ đông nhất từ trước đến nay, lập kỷ lục về số người tham gia một điệu múa tập thể ở Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ” - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.
Hàng ngày, lãnh đạo quận Tây Hồ thay phiên đến động viên các đội tham gia vũ hội. Trong ảnh: Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đến động viên các đội tham gia luyện tập "Vũ điệu kết đoàn".
Để chương trình diễn ra thành công tốt đẹp, trong những ngày qua, các thành viên tham gia múa điệu kết đoàn đã gác việc riêng, tích cực luyện tập vì thành công chung của chương trình. Cùng với đó, hàng ngày, Bí thư Quận uỷ và các đồng chí Thường trực Quận uỷ đã trực tiếp đến động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong các buổi tập.
“Chúng tôi xác định sự kiện này sẽ là cầu nối để cấp ủy, chính quyền các cấp trong quận gần dân, sát dân và ngày càng hiểu dân hơn. Qua đó củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất cao trong toàn quận. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo và cố gắng đó… “Vũ điệu kết đoàn” sẽ là một điểm nhấn khó quên trong chương trình năm nay” - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ.
Khi những trái tim cùng chung nhịp đập
Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ nằm trên địa bàn phường Nhật Tân. Chính vì thế, việc được tham gia “Vũ điệu kết đoàn” - điệu múa có số lượng người tham gia đông nhất từ trước đến nay của Tây Hồ trên “sân nhà” khiến cán bộ, đảng viên và Nhân dân Nhật Tân vô cùng tự hào.
Chương trình "Vũ điệu kết đoàn" có sự tham gia của 1.200 người.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thục Lương - Phó Chủ tịch phường Nhật Tân cho biết, phường Nhật Tân có 100 người tham gia “Vũ điệu kết đoàn”, gồm phụ nữ, cựu chiến binh… Tuy ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng mọi người đều có năng khiếu văn hóa, văn nghệ và nhiệt tình với các hoạt động đoàn thể.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, ban đầu khi nhận được kế hoạch, lãnh đạo phường rất lo lắng vì không biết trong thời gian ngắn liệu có huy động đủ người tham gia theo yêu cầu của Ban tổ chức hay không. Thế nhưng đáng mừng là ngay từ hôm đầu thông báo, phường Nhật Tân đã huy động đủ quân số, thậm chí còn có cả đội hình dự phòng.
“Qua việc vận động, huy động cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn tham gia “Vũ điệu kết đoàn”, tôi nhận thấy tầm quan trọng của công tác dân vận. Từ nhiệm vụ chính trị quan trọng và hoạt động chưa từng có tiền lệ, mỗi người đều được truyền đạt nội dung cụ thể, nhận thức đúng đắn. Thông tư tưởng rồi thì ai ai cũng vui vẻ, vì “màu cờ sắc áo Tây Hồ”, tinh thần đoàn kết trỗi dậy, người này bảo người kia để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Nguyễn Thục Lương khẳng định.
Theo kế hoạch, "Vũ điệu kết đoàn" sẽ được tổ chức vào tối 19/11.
Là một trong những người được lựa chọn tham gia “Vũ điệu kết đoàn”, bà Nguyễn Thị Hằng (tổ dân phố số 15, phường Xuân La) không giấu nổi niềm tự hào cho biết, bản thân đã tham gia rất nhiều chương trình văn nghệ, nhưng đây là chương trình có nghĩa rất đặc biệt. Điều đặc biệt đó không chỉ đến ở số lượng người tham gia mà còn ở ý nghĩa của tiết mục - tiết mục khép lại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố.
“Đây là cơ hội không phải lúc nào cũng có và ai muốn cũng được. Do đó, dù lịch tập liên tục và dày đặc, ngày nào cũng từ 18 giờ 30 đến 22 giờ nhưng không ai bảo ai, đều cố gắng sắp xếp việc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mong rằng với sự cố gắng đó, chúng tôi sẽ góp phần nhỏ bé vào sự thành công của điệu múa, ghi dấu ấn của người dân Tây Hồ” – bà Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.