Giới thiệu
Chùa Châu Lâm hiện nay tọa lạc ở số nhà 199 phố Thụy Khuê, chùa có tên chữ là Châu Lâm tự. Ngôi chùa có quy mô kiến trúc lớn, bề thế với nhiều nếp nhà ngang dọc bao quanh cùng với hệ thống những cây cổ thụ và cây ăn quả như: xoài, mít, bưởi, hồng, đặc biệt trong sân chùa còn có cây vối đã tồn tại hơn 100 năm nay tạo nên vẻ trang nghiêm, thanh tịch của ngôi chùa cổ kính. Quy hoạch mặt bằng của chùa Châu Lâm bao gồm: Tam quan - Sân chùa - Chùa chính (Tiền đường, thượng điện và hậu cung). Các bộ phận kiến trúc của chùa được xây dựng kế tiếp nhau tạo ra sự khép kín cho toàn bộ công trình.
Tam quan chùa làm kiểu gác chuông, cổng chính kết cấu ba tầng, hai cổng phụ làm kiểu mái chồng diêm hai tầng. Phía ngoài giáp cổng phụ được xây hai trụ cao, đỉnh trụ đắp hình 4 con chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình trái dành. Thân trụ được đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán.
Sau tam quan, qua một khu vườn lớn và khoảng sân rộng là đến chùa chính. Nền chùa được tôn cao 0.80m so với mặt sân, phía trước cửa chùa về phía hai bên nối liền với tường hồi là hai cột đồng trụ xây cao, đỉnh trụ đắp hình nậm rượu, phía dưới có các hình trang trí, thân trụ tạo khung đắp nổi câu đối chữ Hán. Mái chùa được lợp ngói ta tạo hai tầng mái kiểu chồng diêm, phân cách giữa hai lớp mái là bức tường xây, trên trang trí đắp nổi hình trúc, mai, đào, lựu v.v… giữa nóc mái tạo khung ghi 3 chữ đại tự “Châu Lâm Tự” bằng chữ Hán (chùa Châu Lâm).
Chùa chính là một kiến trúc lớn hình chữ đinh gồm 3 nếp: Tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Các nếp nhà này nằm sát cạnh nhau và được khép kín bởi hệ thống tường bao quanh làm cho không gian của Tam bảo chùa thêm rộng lớn, khang trang. Tiền đường là một tòa nhà lớn gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trong chùa, vì đỡ mái được làm theo 2 dạng vì khác nhau: Các bộ vì giữa có kết cấu dạng thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ, 2 vì hồi làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Hàng hiên trước nhà tiền đường có diện tích rộng tương ứng với 7 khoảnh hoành. Trên tàu đỡ mái bằng xà ngang bằng gỗ lim có chạm trổ trang trí vân mây, hoa lá nhằm làm giảm nhẹ sự nặng nề và tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ, chắc khỏe cho ngôi chùa cổ.
Nhà thiêu hương gồm 2 gian dọc nối liền với gian giữa nhà tiền đường với thượng điện, bộ vì đỡ mái làm kiểu chồng rường, giá chiêng hạ kẻ. Ở giữa các kẻ và xà nách của vì ngoài có 2 cốn trang trí các hình rồng mây, rồng cuốn thủy, long mã v.v…
Thượng điện gồm 5 gian có cùng phong cách với tiền đường, bộ vì chồng rường có cột trốn trên xà thượng, các con rường được xếp chồng lên nhau, trang trí nhẹ nhàng vân mây, hoa lá. Các bức cốn tòa thượng điện được trang trí vân chữ triện, phía dưới câu đầu của các vì được gắn với cửa võng, hoành phi gỗ sơn son thếp vàng làm tăng thêm sự lộng lẫy cho nơi tọa lạc của các vị Phật.
Bài trí thờ tự trong chùa:
Trong tòa thượng điện được xây các bệ gạch cao dần từ ngoài vào làm nơi tọa lạc của các vị Phật. Ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của thượng điện là 3 pho Tam thế thường trụ diêu pháp thân biểu trưng cho 3 thế giới Phật: Quá khứ, hiện tại và vị lai đang ngồi kiết già trên tòa sen.
Lớp thứ hai gồm tượng A Di Đà có kích thước lớn hơn ngồi ở giữa, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.
Lớp thứ ba gồm tượng Di Lạc ngồi giữa hai bên là 2 pho tượng hầu.
Lớp cuối cùng là Tòa Cửu Long, tái hiện hình ảnh đức Phật Thích Ca lúc mới ra đời. Ngoài tòa tiền đường, bên phải là ban thờ Đức Ông mặt đỏ ngồi giữa hai bên là hai pho tượng hầu, đối diện bên trái là tượng Thánh Tăng, ở giữa hai bên là 2 tượng hộ pháp.
Trong hệ thống tượng tròn của chùa có các pho Tam Thế, A Di Đà được ra đời sớm hơn cả (khoảng thế kỷ XVIII). Đặc trưng chung của nhóm tượng này là tư thế ngồi tự nhiên, thoải mái, khuôn mặt hơi tròn, ngực nở, eo thon cung mày lớn cùng đài sen nở rộng, các cánh sen dày mập, mũi sen chạm nổi các họa tiết đặc trưng sắc nét.
Nhà Tổ ở phía sau chùa chính qua một khoảng sân gạch rộng. Nhà Tổ gồm 5 gian được nhà sư trụ trì tu bổ từ năm 1994. Nhà làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, nhà xây trên nền cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, hàng hiên rộng 2,7 mét. Bên trong nội thất gồm có 6 bộ vì gỗ, các bộ vì kết cấu kiểu thượng chồng rường, giá chiêng hạ kẻ trang trí trên các thanh rường nhẹ nhàng vân mây hoa lá.
Bài trí trong nhà thờ Tổ bao gồm 3 bàn thờ Tổ: Gian chính giữa là ban thờ tổ Tây, 2 gian bên là 2 bàn thờ các vị sư trụ trì tại chùa trước đây đã viên tịch, mỗi ban gồm 2 pho tượng sư tổ.
Nhà mẫu liền kế với nhà Tổ gồm 5 gian kết cấu hình chữ đinh. Nhà làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, phía trước mở cửa bức bàn, gỗ được chạm trổ khá công phu. Bên trong các bộ vì gỗ có kết cấu giống nhau kiểu thượng chồng rường hạ kẻ chuyền. Trên các con giường xà kẻ được trang trí các họa tiết vân mây, hoa lá nhẹ nhàng tạo sự chắc khỏe cho bộ khung nhà nhưng lại không bị thô cứng.
Bài trí thờ tự: Tại gian chính giữa, ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất bày 3 pho tượng tam tòa Thành mẫu trong khám thờ gỗ, hàng dưới là tượng ngũ vị tôn ông (5 vị quan); gian phải tiền đường là ban thờ Đức Trần triều được bày trong khám thờ, đối diện gian trái là động sơn trang.
Ngoài ra còn một số công trình khác: Nhà sắp lễ, nhà bếp.
Nhìn chung, chùa Châu Lâm có quy mô kiến trúc rộng, bề thế, cảnh quan đẹp với nhiều nếp nhà tạo thành sự trang nghiêm cho ngôi chùa cổ cùng hệ thống các cây cổ thụ, cây xanh và cây cảnh làm tăng thêm vẻ đẹp tĩnh lặng của chùa.
Hiện nay, chùa Châu Lâm còn bảo lưu được khối lượng di vật khá phong phú mang giá trị khoa học lịch sử nghệ thuật cao bao gồm:
2 tấm bia đá, trong đó có một tấm bia không tên. Bia được làm vào ngày 06 tháng 10 năm Thành Thái thứ 6 (1894); bia được làm từ phiến đá xanh mịn, kích thước cao 83 cm, rộng 50 cm, mặt bia được khắc chữ Hán.
Có 48 pho tượng tròn sơn son thếp vàng thuộc thế kỷ 18, 19, 20.
2 bức nghi môn sơn son chạm nổi đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và 4 chữ Hán đắp nổi: Kỳ viên hội thượng. (Hội chùa)
2 quả chuông trong đó đáng chú ý là quả chuông “Châu Lâm thiền tự” (Chuông chùa Châu Lâm). Chuông được đúc vào ngày lành tiết cuối đông năm Nhâm Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (1692). Chuông có kích thước 0,60m x 0,28m. Dáng chuông hình trụ vai tròn, trên thon dưới nở, miệng chuông có gờ loe ra, thân dài, thành chuông dầy. Phần quai chuông với rồng uốn khúc chụm đuôi ở đỉnh, đầu và 2 chân bấu lấy đỉnh chuông, thân chuông chia làm 4 ô. Bài minh bằng chữ Hán trên chuông ghi việc công đức để tu bổ chùa: Chùa là nơi danh lam cổ kính to đẹp, có bà quận chúa Trịnh Thị Ngọc Lễ cùng những người có lòng tốt, nhân việc tu sửa lại chùa, đúc chuông bèn ghi lại toàn bộ số người đã công đức đúc chuông.
01 quả chuông nhỏ (nhà mẫu) có niên đại Bảo Đại thứ 2 (1927)
01 khánh đồng “Châu Lâm tự tập Phúc Khánh” có niên đại Minh Mệnh thứ 20 (1839), kích thước 150cm x 112cm. Nội dung: Ghi công đức việc đúc khánh, ghi họ tên những người đóng góp hưng công ở thôn hạ là 42 người để đúc khánh.
Trong số các di vật còn bảo lưu trong chùa ngoài hiện vật chuông đồng có niên đại thời Lê, khánh đồng có niên đại thời Nguyễn là bộ sưu tập tượng tròn với 48 pho tượng lớn, nhỏ trong đó có 3 pho tượng mẫu, 5 pho tượng tổ và 40 pho tượng Phật.
Ngôi chùa có niên đại xây dựng sớm từ thời Lê thế kỷ XVIII. Ngôi chùa được tọa lạc trên một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng trăm năm, mảnh đất gắn liền với những truyền thống lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm thời dựng nước. Chùa Châu Lâm là một trong những di tích có niên đại ra đời sớm ở nước ta. Dấu vết của thời kỳ lịch sử còn in đậm trên kiến trúc và khối di vật hiện còn. Chùa thờ Phật, mẫu cầu phúc lành cho dân làng. Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân, là nơi cầu nguyện những điều tốt lành cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, đồng thời là nơi bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.
Chùa Châu Lâm có quy mô kiến trúc bề thế với nhiều nếp nhà lớn tạo thành, chùa được xây dựng trên một khu đất có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thoáng đãng, riêng biệt ở thế đất địa linh. Hiện tại ngôi chùa có quy mô kiến trúc lớn mang vẻ đẹp độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc cổ chùa làng. Chùa Châu Lâm còn bảo lưu được kiến trúc gỗ truyền thống của nghệ thuật thời Nguyễn. Trước đây thời khởi nguyên, chùa được xây dựng ở vị trí đầu làng, do sự thay đổi của làng mạc dân cư, vào khoảng đầu thời Nguyễn, chùa được chuyển vào vị trí như hiện nay. Trong chùa hiện còn lưu giữ được những mảng trang trí trên bộ vì kèo ván mê phần hậu cung cùng hai bức cốn với các đề tài: rồng, long, mã, phượng vũ, thần qui lạc. Đó là bức tranh sinh động với phong cách chạm thủng, bong kênh với sự thể hiện khéo léo của người nghệ nhân xưa đã để lại cho hậu thế một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, điển hình của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Trong khối di tích vật chất cổ kính này, đáng chú ý là các pho tượng tròn. Với số lượng tượng khá đầy đủ: tượng phật, tượng tổ, tượng mẫu mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao, các pho tượng được tạo tác công phu, tỉ mỉ và được phủ thếp vàng lộng lẫy. Đó là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, thể hiện một trình độ kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện của đôi bàn tay khéo léo của ông cha ta. Các pho tượng được tạo tác vào những thời gian khác nhau mang phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ XVIII - XIX. Đây là những tác phẩm quý giá góp phần tìm hiểu nghệ thuật tạc tượng trong lịch sử dân tộc.
Bên cạnh đó là bộ di vật trong chùa khá phong phú, đa dạng với đầy đủ các loại hình: Văn bia, chuông đồng, khánh đồng, hoành phi, câu đối.v.v. mang giá trị lịch sử, văn hóa cao. Nhóm di vật gỗ được chạm khắc tinh xảo làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính cho di tích. Đặc biệt là các tư liệu thành văn: Bia đá, chuông, khánh của 2 thời Lê - Nguyễn. Ngoài giá trị nghệ thuật, các văn bia hiện còn là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu về đời sống, xã hội của một làng cổ về lịch sử tạo dựng đình, chùa, đền được ghi lại qua hệ thống văn bia, chuông, khánh để lưu lại cho hậu thế. Đồng thời cùng với đình Hồ Khẩu nằm liền kề với chùa hợp thành một quần thể tôn giáo hoàn chỉnh, là nơi bảo tồn, lưu giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp, nơi cấu kết mối quan hệ cộng đồng, nơi giáo dục điều chỉnh hành vi tốt đẹp cho mọi thành viên trong xã hội.
Chùa được Thành phố xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1777/QĐ-UBND ngày 03/4/2014./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
Số 111 phố Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội
13.87Km
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
14.65Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
16.19Km