Giới thiệu
Chùa Thiên Niên ở trang Thiên Niên, làng Trích Sài, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sở dĩ chùa có tên Thiên Niên vì chùa nằm trên đất trang Thiên Niên do Lê Thánh Tông cắt một nửa đất làng Trích Sài mà đặt tên. Thời Minh Mệnh (1820 - 1840) lại nhập trang Thiên Niên vào làng trích Sài. Bởi vậy, người ta vẫn quen gọi chùa là Chùa Thiên Niên Trích Sài.
Trích Sài là một địa danh lịch sử đáng ghi nhớ của Tây Hồ. Trích Sài là hái củi, hai từ này vốn là kết cấu động bổ chứ không phải danh từ chỉ tên làng. Có thể hàng ngàn năm về trước vùng Hồ Tây là khu rừng rậm thật sự. Ở đây có nhiều loại gỗ quý, nhiều loại thú hiếm. Chính vì vậy mà có truyền thuyết cáo chín đuôi và rừng gỗ lim. Người phía tây hồ Tây chuyên làm nghề hái củi nên mới có tên làng là Trích Sài.
Rừng ở đây rậm rạp nhất Long Đỗ, cáo chín đuôi làm tổ tại đây. Chính vì vậy, đàn trấn yểm hồ ly tinh được lập ở Trích Sài, Đền Thọ Phúc Lộc được xây dựng ở Trích Sài, Chùa Bát Tháp (Chùa Thiên Niên) được dựng ở Trích Sài. Trích Sài là vùng đất linh thiêng, thần bí.
Trước khi tìm hiểu về Chùa Thiên Niên ta cần hiểu thêm về ba vị thần Thọ, Phúc, Lộc trừ hồ ly tinh tại đây.
Tây Hồ chí chép: “Đền Thọ Phúc Lộc tại phường Trích Sài bên hồ. Ba Công chúa: một là Vạn Thọ Phu nhân tức hóa thân của Kim Mẫu; hai là Vạn Phúc Công chúa; ba là Vạn Lộc Công chúa. Hai công chúa sau đều là chị em ruột con vua Lý Nam Đế do bà phi họ Đoàn sinh ra. Đến tuổi cài trâm, cả hai nàng đều hiền từ, thông tuệ, yêu mến sông núi, thường cùng thả con thuyền trên sông Canh (sông Thiên Đức) qua châu Trà Xuyên (Yên Phong) ghé thuyền dưới núi Lỗ Ma (Long Đỗ, gồm năm ngọn núi đất, khi đó là rừng rậm) chân núi có giếng, có hồ ly chín đuôi làm hại người trong vùng. Hai nàng quay chèo mong tìm người có đạo thuật trừ yêu quái. Đến cầu Khối Lâm (xã Yên Lữ) gặp người đàn bà tự xưng là họ Ma biết pháp thuật, liền hỏi: “Diệu pháp có thể trừ yêu quái không?” Đáp rằng “Được”. Hai công chúa rất mừng đón nàng họ Ma lên thuyền đưa về tâu vua”. Vua xuống chiếu chọn họ Ma đến làm phép. Bỗng giông gió, sấm sét nổi lên dữ dội, cây rừng bị nhổ hết, đồi núi sạch không mà yêu ma tuyệt tích. Giữa đàn có đám mây đỏ rực bay lên trông lạ thì nàng họ Ma đã biến đi đâu mất. Xa giá trở về đem chuyện hỏi đình thần, hoặc có kẻ nói Kim Mẫu hóa thân, liền soạn sắc phong là Vạn Thọ Phu nhân là Trấn tĩnh Bà Vương”.
Cùng với việc xây Đền Thọ Phúc Lộc, vua Lý Nam Đế còn xây Chùa Bát Tháp để hai Công chúa trụ trì. Đến thời Lê Thánh Tông vua cho lập trang Thiên Niên. Trên nền đất cao hơn, xây dựng lại Chùa Bát Tháp cho các cung phi thờ Phật, đổi tên là Chùa Thiên Niên. Ý muốn nói trang Thiên Niên và Chùa Thiên Niên sẽ tồn tại mãi ngàn năm cùng với thời gian.
Làng Trích Sài từ xưa đã có một hệ thống thờ tự bao gồm Đền Thọ Phúc Lộc, Đàn Bát Tháp, Chùa Bát Tháp. Nay chỉ còn lại Đền Thọ Phúc Lộc và Chùa Thiên Niên. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
Như vậy về niên đại xây dựng theo truyền thuyết thì chùa Thiên Niên được xây dựng từ lâu đời trên cơ sở sửa chữa ngôi chùa Bát Tháp được xây dựng từ thời Lý Nam Đế. Nếu theo tấm bia đá còn lưu giữ tại chùa thấy: Tấm bia đá gắn bên phải còn ghi rõ: ở đời Lê Thánh Tông chia một nửa ruộng đất thông Trích Sài cho các cung phi làm thái địa đặt tên là Thiên Niên trang, lập miếu và điện cho các cung phi ở đó thờ phụng. Nhân được miếu có chùa Bát Tháp bèn dời đến chỗ đất cao hơn ở phía trên bờ hồ Tây và dựng lại chùa. Vì Trang gọi là Thiên Niên nên chùa gọi là Thiên Niên tự để làm nơi cung phi thờ Phật và tu hành. Qua những điều ghi chép trên cho thấy tiền thân của ngôi chùa hiện nay là một nơi chùa cổ từ đầu thời Lê.
Chùa quay lưng hướng nam nhìn ra hồ Tây mênh mang sóng nước, có đầy đủ các công trình kiến trúc của một khu chùa: Tam quan, sân vườn, chùa chính, nhà mẫu, nhà tổ, tang phòng, bếp và vườn tháp của các sư tổ đã viên tịch. Hiện nay, lối đi của chùa không phải từ Tam quan vào mà đi cổng ở phía đường Lạc Long Quân vào phía nhà bếp.
Tam quan chùa có hai tầng mái, kiểu kiến trúc cổng thành, có ba cửa, cửa giữa chiếu thẳng vào tiền đường. Những đề tài trang trí chủ yếu là những hình rồng, vân triện hóa hổ phù, lá cúc…
Chùa chính theo kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường dựng trên nền cao 60cm so với sân, vườn; 4 mái lợp ngói ta, bờ nóc thẳng, giữa đắp 3 chữ Thiên Niên tự.
Thượng điện: 4 gian dọc nối với Tiền đường, kiểu giá chiêng chồng rường. Từ ngoài vào xây các bệ gạch, hai bên cũng xây bệ đặt tượng 10 vị của thập điện. Trên Tam bảo lần lượt từ ngoài vào:
Dưới: 1 nhang án cong ở phía ngoài có ngai thờ đẹp, 1 ỷ thờ.
1 bệ xây thường trải chiếu có chuông, mõ…
Trên bệ: Phật Niết bàn, Bộ tượng Cửu long với Thích Ca sơ sinh ở giữa hai bên là Phạm thiên – Đế thích.
Hàng 3: Quan âm tọa sơn, hai bên là Tiên đồng – Ngọc nữ
Hàng 4: Thích ca ở giữa giơ tay trái lên, tay phải đặt trong lòng đùi, ngực hở chữ vạn. Hai bên là A nan, Ca diếp đứng, tay kết ấn mật phùng. Tượng cao cả đài sen 1m20.
Hàng 5: Adiđà ngồi cao 1m20, hai bên là Quan thế âm và Đại thế chí.
Hàng 6: Bộ Tam thế: Tượng ngồi kiết giã cao hơn 1m.
Nhà tổ, nhà mẫu: là nhà nối dọc với thượng điện, quay hướng tây nhìn ra hồ Tây. Là nhà 5 gian song nơi thờ tự có 3 gian, còn lại 2 gian tăng phòng ở phía sau.
Chùa Thiên Niên cùng với hệ thống các di tích xung quanh hồ Tây đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích nghệ thuật tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 01 năm 1992./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
1.99Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
0.36Km