dân cư số 7, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
Giới thiệu
Đình Đông Xã hiện nay thuộc địa bàn dân cư số 7, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Để đến thăm di tích chúng ta có thể đi bằng nhiều tuyến đường khác nhau, dùng các phương tiện đường bộ đều thuận lợi. Song tiện hơn cả du khách có thể đi theo tuyến đường chính như sau: Từ Bưu điện Bờ Hồ đi dọc theo các phố Hàng Khay, Tràng Thi tới cửa Nam đi theo đường Điện Biên, Hùng Vương rẽ trái vào phố Thụy Khuê đi tiếp dọc theo đến số nhà 444 là tới đình Đông Xã (đình nằm kề cạnh chùa Mật Dụng).
Căn cứ vào sử sách, sắc phong, thần tích và truyền thuyết dân gian đều cho biết đình Đông Xã thờ hai vị thần: Bảo Hựu Đại Vương và Quý Minh Đại Vương. Tương truyền: Thời vua Hùng ở Hải Dương có hai anh em sinh đôi, người anh tên là Nguyễn Cao Hành, người em tên là Nguyễn Cao Ban, gia đình ấy một đời có tiếng là trung hậu, hiếu thuận với tổ tiên, nghĩa khí với mọi người nên đều được phong lưu danh giá. Đến đời hai ông gia cảnh túng thiếu, không một tấc đất sinh nhai. Bấy giờ hai anh em phải lưu lạc giang hồ lấy việc buôn bán làm kế mưu sinh, đi đến đạo Sơn Tây vào Châu Đà Bắc sau đến động Lăng Xương hai anh em định cư ở đất đó, được vài năm hai anh em đều trở nên giàu có và lấy vợ tại đó. Người anh lấy người con gái họ Đinh tên Đinh Thị Điên, người em lấy vợ họ Trương tên là Trương Thị Hoan. Từ đó hai anh em đã có gia thất và trở nên giàu có, dư giả, hai anh em dốc trí làm điều nhân nghĩa, từ thiện, về sau hai ông đều sinh được quý tử.
Một hôm vợ ông em mơ thấy được cưỡi rồng vàng bay lên trời lấy được hai ngôi sao nuốt vào miệng rồi trở về, bà tự nhiên tỉnh mộng. Từ đó bà mang thai suốt 14 tháng đến ngày thứ 16 năm Giáp Thìn bà sinh ra một bọc hai người con trai, tướng mạo đều thuần phong lẫm liệt đường hoàng, tay dài quá gối, cha mẹ đều rất mực yêu thương đặt tên là Hiển Công và Sùng Công. Một hôm người vợ của Nguyên Cao Hành họ Đinh mơ thấy điềm rồng vàng hút nước và khí mây ngũ sắc, bà mang thai 14 tháng đến ngày rằm năm Đinh Tỵ sinh ra Tản Viên Sơn Thánh. Theo tích cũ thì cha của Tản Viên Sơn Thánh là Nguyễn Cao Hành, mẹ là Đinh Thị Điên sống ở động Lăng Xương. Bấy giờ Cao Hành đã ngoài 70 tuổi ông bà sống luôn tu tâm, tích đức thờ phụng tổ tiên chu toàn nên cuộc đời được sống trong giàu sang, vì thế trời mới ban cho thần đất đến báo ơn nên sinh ra Thánh. Khi ấy ông Ban sinh được hai người con trai chưa đầy chục ngày thì vợ ông bỗng qua đời vào ngày 12 tháng 3. Ông Ban đem hai người con gửi cho anh ruột nhờ nuôi dưỡng. Từ đó người anh là Cao Hành chăm lo hai người con của em. Bấy giờ Tản Viên Sơn Thánh được hai tuổi đặt tên là Nguyễn Tùng. Ngày tháng qua đi ba người con đã đến tuổi trưởng thành vốn tính thông minh, trí tuệ hơn người. Rất tiếc ông Hành và ông Ban đều qua đời vào ngày 15 tháng 12. Bà họ Đinh chôn cất hai ông theo nghi lễ được 5 năm, bà đưa ba người con đến núi Thiếu Lĩnh Ngọc tản cư tại đó được một bà lão trên núi tên là Ma Thị Thần Nữ giúp đỡ, được ba năm bà họ Đinh lại đem ba ông trở về động Lăng Xương. Khi ấy, bà rất túng bấn mẹ con không nơi nương tựa. Về sau bà được Ma Lôi cưu mang giúp đỡ, đúng lúc đó bà họ Đinh qua đời vào ngày mồng 10 tháng 5. Bấy giờ ba ông đã trưởng thành tuổi ngoài 20 đều thông minh, tài trí hơn người. Mỗi ông được giao cắt cử một phương: Ông anh cả ở chính giữa núi Tản Viên, ông thứ hai nắm giữ bên trái (núi Lãng Sơn) còn ông thứ ba nắm giữ bên phải (núi Nộn Sơn).
Sơn Thánh sau khi lấy con gái Hùng Duệ Vương, vua Thục đã đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhà vua bèn vời hai người em của Sơn Thánh cùng quần thần bàn kế đánh trả. Sơn Thánh được lệnh liền cử cháu họ Vũ Công nhạc phủ cùng hai người em là Bảo Công và Tú Công phụ trách việc binh. Vũ công vốn là con cháu của nhà vua, sau khi thắng quân Thục đã hóa ở Đan Nê trên núi Đồng Cổ thuộc huyện Yên Định, Châu Ái. Đến triều Lý, Thái Tông cất binh chinh phạt Chiêm Thành. Đêm ấy nhà vua mơ thấy một người áo mũ chỉnh tề, cao lớn đi thẳng vào sân rồng hành lễ dưới bậc tam cấp. Nhà vua bèn hỏi: Người tên chi đến đây có việc gì, người đó thưa rằng: Thần vốn là danh tướng của vua Hùng, là người núi Đồng Cổ. Sau này vua tôi đến ngôi đền xin nguyện được theo giúp xa giá để cứu nước lập công. Nhà vua biết được báo mộng kịp dẫn quân đến núi Đồng Cổ thuộc huyện Đan Nê (Thanh Hóa) truyền lệnh cho quan quân hành lễ rồi tiến quân đi bình giặc Chiêm cứu nước. Nhà vua xa giá trở về kinh sư hôm sau liền mơ thấy Thần hiện về báo rằng: tam vương sẽ làm phản, sự việc đã quá gấp gáp. Nói xong Thần bèn đi vào chùa Đông Trung ở phường Yên Thái rồi biến mất.
Nhà vua giật mình tỉnh giấc và quả nhiên chứng kiến âm mưu làm phản ấy bèn lập đền thờ ngài ở khu đất cạnh kinh thành bên bờ sông Tô Lịch phía nam phường Yên Thái hưởng lễ theo nghi lễ của Nhà nước.
…Bấy giờ ba ông đều đóng quân ở Đông Xã được ít ngày thì Vũ Công liền chia quân tiến vào đất Hoan Châu, còn hai ông tức Bảo Công và Tú Công ở lại xem xét địa thế nhằm thiết lập đồn lớn để chống trả quân Thục. Hôm sau hai ông đi xem địa thế nơi này nhận thấy có thể nơi đây có địa hình tốt đẹp có thể là chỗ lợi hại cho việc binh cơ liền lập đồn lớn để chống giặc. Ngay ngày hôm sau nhân dân đã dựng doanh trại lấy nhánh sông Tô Lịch ở phía trước để lập đồn là trung tâm của doanh trại. Hai ông cầm quân ở vùng đất này (Tức làng Đông xã phường Yên Thái), hàng ngày giáo hóa nhân dân, chăm lo việc lễ nghĩa. Công đức của hai ông chất cao như núi, sâu như biển, thấm sâu vào mọi người dân. Trải qua hơn một năm giáo hóa nhân dân, hịch truyền đến đâu, các bậc cừ khôi hàng phục như sấm dạy bên tai ví như oai trời, không ai là không khâm phục. Từ đó thiên hạ thái bình, trong Phủ không xảy ra chuyện gì lớn, đời sống nhân dân no đủ, bốn bề vui tươi trong cảnh thái bình thịnh trị. Nhà vua bèn triệu các đạo quân trở về triều. Ngay hôm sau hai ông xa giá trở về kinh vào cung yết kiến bệ hạ. Từ đó hai ông đảm nhiệm triều chính cùng với Tản Viên Sơn Thánh.
Một hôm (Tức ngày 2 tháng 2) hai ông đi xe ngựa trở về chỗ đóng quân ngày trước (phường Yên Thái) nhân dân hành lễ chúc mừng. Hai ông ở lại cùng gia thần và ở lại tới gần chục ngày rồi lại lên ngựa chu du đến 300 doanh trại từng đóng ở khắp các nơi. Ngày 12 tháng 11 Bảo Công trở về quê ngoại ở sứ Sơn Nam khi đi qua một con sông nhỏ bỗng một trận cuồng phong nổi lên mịt mù, đất trời bỗng chốc tối tăm, sóng lớn nổi cuồn cuộn, các loài giao long, rắn hoa quần tụ xung quanh chiếc thuyền của ông, ông tự chìm rồi biến mất.
Cùng ngày hôm đó Tú Công đang ở quê nhà vui vẻ du núi Nộn Sơn ngắm xem sơn thủy. Khi ông đang đứng ở trên núi bỗng thấy một đám mây ngũ sắc kéo đến, trời đất tối om, gia thần ai nấy đều kinh sợ, tứ linh từ trên trời giáng xuống, ông bèn cưỡi mây mà hóa. Sau khi hai ông mất nhà vua cho nhân dân lập miếu thờ ban mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, sắc phong cho hai ông là Đại Vương, cho phép Thanh Đông và Nộn Sơn (nơi hai ông đã hóa) là nơi phụng thờ chính, hai phường Yên Thái, Bồng Lai là nơi làm dân hộ nhi xuân thu hưởng theo quốc lễ. Ngày 02/12 (Âm lịch) là ngày hóa của hai vị thành hoàng làng.
Đình Đông Xã tọa lạc trên một khu đất cao ráo, nằm kề cận với chùa Mật Dụng sát đường phố Thụy Khuê có diện tích 510,9m2. Đình đã qua 03 lần chuyển chỗ, lần cuối cùng là năm 1903 chuyển từ trong làng ra liền kề với chùa Mật Dụng.
Hiện tại bộ phận cấu thành của di tích bao gồm: cổng đình ở phía trước, sân và đình gồm đại bái và hậu cung.
Giá trị kiến trúc của ngôi đình còn được lưu lại qua năm gian nhà gỗ - tiêu biểu cho kiến trúc thời Nguyễn. Giá trị truyền thống được thể hiện khá công phu qua các con rường, đầu bẩy, văn chữ Triện… Tất cả được thể hiện một cách hài hòa, chắc khỏe, bền vững cho ngôi đình nhưng lại không bị thô cứng. Đặc biệt trong đình còn lưu giữ được số lượng di vật phong phú mang giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật cao: Hương án, cửa võng, long ngai, bài vị (ba vị thần Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh đều là thần núi Tản Viên - Nam Nhạc nên thường thờ chung vào một long ngai bài vị), kiệu gỗ, hoành phi, câu đối, bia đá, thần tích, sắc phong .v.v. Đây là những tiêu bản quý giá góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu lịch sử địa phương và những phong tục tập quán của cộng đồng cư dân làng xã. Đình còn là nơi thờ ông tổ nghề Giấy dó có nguồn gốc từ Trung Quốc – Người truyền dạy cho dân địa phương nghề in giấy viết di chúc Bác Hồ.
Đối với nhân dân trong vùng ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân, là nơi giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là nơi cầu nguyện những điều tốt lành cho mọi tầng lớp nhân dân đồng thời cũng là nơi bảo lưu những giá trị phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nơi đây. Ngôi đình vừa là nơi thờ tự các vị Thần có công với dân, với nước vừa là nơi hội họp của các cụ cao tuổi, tiểu ban quản lý di tích và là nơi diễn ra lễ hội hàng năm. Việc giữ gìn và bảo vệ ngôi đình cho thế hệ mai sau là biểu hiện trân trọng những giá trị di sản văn hóa của Thủ đô./.
Đình được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 381/QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 2006./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh