khu dân cư số 6 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội
Giới thiệu
Ngôi đền Đồng Cổ chính gốc nằm bên chân núi Khả Lao, làng Đan Nê, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sử sách chép rằng: Năm 1020, vâng lệnh vua Lý Thái Tổ, Thái tử Lý Phật Mã đem quân đi đánh Chiêm Thành. Một đêm, ngủ tại Đền Đồng Cổ Thái tử được báo mộng có một vị thần xin đi theo để trừ giặc. Trận đó quả thắng to. Tám năm sau, năm 1028 trước hôm Lý Thái Tổ qua đời, (mùng 3 tháng 3 âm lịch), Thái Tử Lý Phật Mã được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có loạn tam vương. Quả nhiên sáng hôm sau khi Lý Thái Tổ vừa qua đời, ba hoàng tử là Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đem quân ém trong Tử cấm thành để đánh úp. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp, nên Thái tử Lý Phật Mã đã dẹp được cuộc nổi loạn và chính thức lên ngôi vua. Xưng vương Lý Thái Tông – đời vua thứ hai của triều đại nhà Lý. Vua Lý Thái Tông trị vì được 26 năm, thọ 54 tuổi.
Mười ngày sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông cho xây dựng ngay một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên phải Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25 tháng 3 tiến hành hội thề tại đền. Đó chính là ngôi đền Đồng Cổ mà chúng ta đang chiêm bái.
Đền Đồng Cổ ở làng Đông xưa kia, nay thuộc địa bàn khu dân cư số 6 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền nằm sát bờ sông Tô Lịch, trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Đồng Cổ xây dựng từ thời Lý không còn giữ được nguyên gốc và đã trải qua nhiều lần tu sửa, trùng tu, nhưng dù sao vẫn giữ được nhiều dấu tích xưa.
Như chúng ta đã biết, di tích Đền Đồng Cổ ngày nay nằm trên một khu đất cao, trông ra sông Tô Lịch. Đền được xây dựng năm 1028 dưới thời vua Lý Thái Tông. Trải qua bao năm tháng trước sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, di tích bị biến đổi nhiều, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa kiến trúc cũ hơn 1000 năm trước không còn nữa. Ngày nay trên nền đất xưa là một ngôi đền nhỏ xây theo hình chữ Đinh và mang nhiều phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Từ ngoài vào, kiến trúc của đền được bố trí như sau:
Tam quan được xây dựng theo lối kình thiên trụ, hai trụ cửa chính cao chừng 5m, trên có đắp hình quả giành cách điệu, rồng phượng. Hai mặt trước và sau cột trụ đắp các câu đối với nội dung ca ngợi công đức của thần, đó là:
Bát diệp sơ, Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp,
Thiên tải hậu, Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim chương.
Có thể dịch là:
Tám đời vua, Đồng Cổ lời xưa, lịch đại bao phong lưu điển tích,
Ngàn năm trải, Đàn Thề chứng tỏ một lòng trung hiếu ánh vàng son.
Hai bên cửa tam quan đắp nổi hai con ưng bằng xi măng. Bên trái tam quan có cây đại sum suê, tạo cảnh quan di tích thêm cổ kính, linh thiêng. Chính giữa cửa tam quan là một đỉnh bằng xi măng to, cao để cho khách thập phương đến đền thắp hương.
Sân đền được lát gạch Bát Tràng loại to 30 cm x 30 cm. Hai bên sân, trước đây là hai tảo mạc (nay bị mất một bên). Qua khỏi sân lên hai bậc gạch là khu vực chính của di tích gồm: tiền tế, trung tế và hậu cung. Tất cả di tích đều được bảo quản tốt, hệ thống xà, kèo còn khá mới và chắc chắn.
Tiền tế trước đây là nơi đàm đạo của các chức dịch hàng tổng và hàng xã, nay là nơi hội họp, tiếp khách của các cụ phụ lão và ban bảo vệ di tích. Trên bức ván mê (nối giữa gian trung tế và tiền tế) có bức hoành phi đề bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ” (Đền Đồng Cổ linh thiêng). Hai bên cửa phụ thông với gian trung tế có câu đối:
Toàn bằng Thanh Hóa Sơn Đông linh tích trứ,
Bất hủ Hoàng Long Thành Bắc ngưỡng tiên truyền.
Tạm dịch ý nghĩa như sau:
Dựa vào Thanh Hóa Nê Sơn linh tích nổi,
Bất hủ Long Thành Đồng Cổ hội thề lưu.
Trung tế là ngôi nhà ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc đơn giản. Hệ thống kèo xà được bào trơn, ở bức ván bưng chính giữa (nối giữa trung tế và hậu cung) có bức hoành phi lớn đề bốn chữ: “Thiên cổ linh tự” (Đền thiêng muôn thủa). Dọc hai bên cửa đi vào hậu cung có câu đối nói lên sự tích, công ơn của thần Đồng Cổ đối với quốc gia và nhân dân.
Hậu cung nối liền với trung tế và tiền tế tạo thành kết cấu hình chữ Công. Hậu cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu quá giang. Chính giữa là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị, áo mũ của thần Đồng Cổ.
Nói chung Đền Đồng Cổ có quy mô kiến trúc không lớn và đơn giản. Trước đây vốn chỉ là một ngôi miếu nhỏ được xây dựng từ thời Lý, về sau có xây cất thêm. Giá trị đích thực của di tích không phụ thuộc vào giá trị kiến trúc hiện còn mà chủ yếu là giá trị lịch sử của nó. Di tích Đền Đồng Cổ nằm ở ngay sát phía bắc kinh thành Thăng Long. Đây không chỉ là nơi thắng cảnh mà còn là di tích mang đậm dấu ấn văn hóa thời Lý.
Bên cạnh các hoành phi, câu đối, khám thờ, ngai thờ… trong đền còn giữ được một số cổ vật khác có giá trị như:
- Một bản chữ Hán trích văn tế của đền trong đó ghi rõ các ngày tế lễ của đền.
- 12 đạo sắc phong trải qua các triều đại:
Cảnh Hưng năm thứ hai (1741) hai đạo. (Vua Lê Hiển Tông 1740-1786)
Chiêu Thống nguyên niên (1787) hai đạo.
Quang Trung năm thứ ba (1790) hai đạo.
Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) hai đạo. (Nguyễn Quang Toản 1792-1802)
Thiệu Trị năm thứ chín (1849) hai đạo.
Tự Đức năm thứ tám (1855) hai đạo.
Các cổ vật trên góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu, phát huy giá trị di tích đền Đồng Cổ.
Ngoài các giá trị về lịch sử, về kiến trúc và các cổ vật hiện đang lưu giữ trong đền, đền Đồng Cổ ở quận Tây Hồ còn lưu giữ một giá trị di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn, đã tồn tại gần 1000 năm nay, đó là Hội thề Đồng Cổ.
Theo các sử sách, bia ký để lại, thì Hội thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) khởi xướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Trong ngày lễ hội, trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thờ vị thần Đồng Cổ, lư hương nghi ngút, quan giám thệ điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía đông đi vào đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Về sau vì ngày hội thề trùng với ngày kỵ của một vua đời Lý nên hội thề được chuyển sang ngày 4 tháng 4 âm lịch. Các đời vua Lý đều cho tiến hành các Hội thề hàng năm.
Thời Trần cũng vẫn giữ lệ này. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Hàng năm vào ngày mùng 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra, đầy đủ ghi trượng theo hầu, ra cửa Tây kinh thành, đến Đền Đồng Cổ tham dự Hội thề Đồng Cổ. Đến thời Trần Dụ Tông (1341-1369) vua thì ham chơi bời, lười chính sự, các quan thì tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Chu Văn An đã phải dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, thời bấy giờ gọi là “thất trảm sớ”, nên nội dung lời thề tại Hội thề Đồng Cổ dưới nhà Trần sửa lại là :
“Làm tôi tận trung
Làm quan trong sạch
Ai trái thế này
Thần minh giết chết”
Đọc xong Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, Hội thề Đồng Cổ có từ đấy, các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng và bị phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy con trai, con gái bốn phương đổ về xem chật ních cả đường phố.
Hội thề ở đền Đồng Cổ còn duy trì ở cả các triều đại sau và cho đến nay, Đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “trung hiếu”, truyền thống. Cứ ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng lại mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.
Đền Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ linh thiêng. Thực ra Đồng Cổ có nghĩa là trống đồng, như vậy đây là nơi thờ trống đồng. Tương truyền đến thời Lê đền bị mất trống đồng cổ, nhân dân phải đúc trống khác để thờ. Như vậy tục thờ trống đồng đích thực là tín ngưỡng của nhân dân Việt cổ còn lưu lại ở Đền Đồng Cổ. Trống đồng của người Việt cổ không chỉ là nhạc khí, binh khí bình thường mà nó đã trở thành thần thiêng, thành tế khí của người Đại Việt.
Lễ hội Đền Đồng Cổ gắn với trống đồng, đó là biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Hội thề Đồng Cổ là hội thề lành mạnh, mang nội dung, ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức và truyền thống dân tộc rất sâu sắc, có tác dụng thường xuyên nhắc lại một truyền thống - một nguyên nhân của sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam ta là: Đoàn kết - thương yêu.
Thần Đồng Cổ - vị thần thờ trống đồng cổ ở đất Thanh Hóa là vị thần đầu tiên được đích thân vua Lý Thái Tông rước về kinh thành Thăng Long, việc này đã đặt ra nhiều vấn đề có liên quan đến hệ thống thần điện đất kinh kỳ Thăng Long. Đằng sau bức màn hư ảo của huyền thoại Thần Đồng Cổ - thần Trống đồng cổ - giúp vua Lý đánh giặc, dẹp loạn cung đình, thống nhất vương triều cho thấy việc định đô ở chốn trung tâm của đất nước, mưu việc lớn là việc thuận lòng dân và thuận “lòng thần”. Rồng thiêng bay lên, thần linh phương xa về “phù trợ” là điềm lành cho đất Thăng Long.
Việc thần Đồng Cổ tham gia hệ thống thần điện Thăng Long và trở thành “quốc thần” có vai trò quan trọng đối với các vương triều cho thấy phần nào sức cuốn hút, quá trình hội nhập và sự thống nhất văn hóa của vùng đất Thăng Long từ buổi đầu định đô nghìn năm trước.
Đền Đồng Cổ thật sự là một di tích có giá trị đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam, nó thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng trung thành và sư hiếu nghĩa của người Việt Nam.
Đền được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 01 năm 1992./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh