Giới thiệu
Trên hòn đảo hình thế Kim Ngư (Cá Vàng) ở phía đông hồ Tây, sát đường Thanh Niên có một danh lam, kết hợp hài hòa kiến trúc Phật giáo cổ kính, trang nghiêm với cảnh quan thanh nhã, mênh mang của gương hồ. Đó là chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc thuộc phường Yên Phụ - quận Tây Hồ là một ngôi chùa thuộc loại cổ nhất Việt Nam. Tương truyền chùa có từ đời Lý Nam Đế (544 - 548). Người lập ra ngôi chùa chính là Lý Bí (tức Lý Bôn). Sau khi lập ra nhà nước Vạn Xuân, ông là người đầu tiên xưng đế trong lịch sử dân tộc và cho dựng chùa này với cái tên đầu tiên là chùa Khai Quốc (chùa mở nước) ở bờ sông cái. Đến đời Lê Thánh Tông chùa được đổi tên là chùa An Quốc. Đời Lê Kính Tông (1616 – niên hiệu Hoằng Định) lúc đó bãi sông bị lở nhiều, dân làng rời chùa vào bán đảo Cá Vàng (tức địa điểm ngày nay).
Nơi đây là nơi vua các triều đại thường lui tới thưởng ngoạn bởi phong cảnh hữu tình của nó (các nhà vua Lý dựng cung Thúy Hoa, nhà Trần dựng điện Hàm Nguyên tại đây).
Đến đời Lê Hy Tông (1680-1705) chùa được đổi tên là chùa Trấn Quốc. Năm 1842, vua Thiệu Tự ra Bắc đổi tên là chùa Trấn Bắc nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa Trấn Quốc. Chùa được tọa lạc ở vị trí đặc biệt có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong chùa còn bảo lưu được khối kiến trúc cổ truyền thống và bộ sưu tập hiện vật: Bia đá, chuông đồng có giá trị quý hiếm.
Trong chùa có một số pho tượng đẹp, đáng chú ý nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thiếp vàng. Chùa có nhiều bia đá cổ, cổ nhất và quý nhất là tấm bia dựng năm 1639 do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn, nội dung ghi lại lịch sử đại tu chùa vào chính năm này.
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc được xây dựng theo trình tự và nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).
Chùa được thiết kế theo hướng Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.
Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.
Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.
Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Sự đối xứng đó được hiểu rằng: Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.
Ngôi chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11/2010.
Với lịch sử 15 thế kỷ, chùa Trấn Quốc được coi là cổ nhất ở Thăng Long - Hà Nội, chùa được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần. Chùa có vị trí đẹp, bốn bề là mặt nước mênh mang, tĩnh lặng và trầm mặc. Những hồi chuông kim cổ dù nhặt dù khoan cũng gột mọi ưu tư giúp ta cảm nhận như Bà Huyện Thanh Quan thuở nọ:
Mấy tòa sen rớt hơi hương ngự
Năm lớp mây phong nếp áo chầu
Chùa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
3.99Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
3.36Km