số 3, ngõ 124 đường Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, Hà Nội
Giới thiệu
Đền Cố Lê là di tích được gọi theo danh xưng của loại hình di tích. Đền Cố Lê là tên gọi chính thức của di tích. Ngoài tên gọi chính trên, di tích còn có tên chữ là Cố Lê tiết nghĩa từ (nghĩa là Đền thờ các bậc tiết nghĩa triều Lê).
Là một trong tám phường của quận Tây Hồ, mảnh đất Thụy Khuê thời Lê nguyên là đất các phường Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Yên Thái thuộc huyện Vĩnh Thuận. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 gồm hai phố Vườn Ươm (Công ty Công Viên) và đường làng Giấy tức là đoạn các phường Hồ Khẩu. Theo dòng lịch sử, sau năm 1954, phường Thụy Khuê thuộc quận Ba Đình. Từ năm 1996 đến nay thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Từ trung tâm Thành phố Hà Nội theo các tuyến đường Tràng Thi, Điện Biên Phủ, qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Hùng Vương đến ngã ba Quan Thánh rẽ trái vào đường Thụy Khuê, đi khoảng hơn 1km là đến di tích. Di tích tọa lạc tại số 3, ngõ 124 đường Thụy Khuê.
Theo hồi cố của các vị cao niên, các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại di tích như tấm bia ghi lại các vị tiết nghĩa thờ tại đền Cố Lê của tác giả Phương Đình Nguyễn Văn Siêu thì hiện nay đền Cố Lê là nơi thờ các vị trung thần, tiết nghĩa của nhà Lê.
Vào cuối thời Lê mạt, Chúa Trịnh lấn át vua Lê, đẩy dân tình vào cảnh khốn đốn. Dưới ngọn cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long đánh đuổi quân Trịnh, khôi phục quyền hành nhà Lê.
Khi quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đêm quân về Phú Xuân thì quân Trịnh lại tập hợp kéo về Thăng Long. Trịnh Bồng tự lập làm Nguyên Soái, lấn quyền vua Lê như trước, khiến triều đình cực kỳ rối ren. Trước tình hình này, Nguyễn Huệ lại kéo quân ra Bắc dẹp loạn, khôi phục trật tự nhà Lê rồi kéo quân về.
Thấy nhà Tây Sơn lớn mạnh không lường, vua Lê Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh. Năm 1789, khi quân Tây Sơn kéo quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh thì Lê Chiêu Thống và các quần thần cùng gia quyến nhà Lê chạy sang nhờ nhà Thanh. Vai trò lịch sử của nhà Lê kết thúc. Trong số các quần thần chạy theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc, có những vị giữ khí tiết, cốt cách theo quan điểm “trung quân” của nhà Nho. Họ là những vong thần, vốn lìa nước để cầu viện. Mặc dù vua khuyên bề tôi nên làm theo và cũng bị nhà Thanh ép mọi mặt về tinh thần và vật chất nhưng Lê Quýnh cùng một nhóm (gồm bốn người) không chịu đồng hóa theo nhà Thanh, cải trang mặc áo như người Trung Quốc, không chịu cắt tóc, không chịu nhận chức tước và cam chịu cầm tù mười ba năm, thể hiện rõ khí tiết một lòng chỉ biết đến nhà Lê và chỉ làm tôi nhà Lê. Ở trong tù nhưng họ hướng về quê hương đất nước, Lê Quýnh đã để lại một tập ký sự “Bắc Hà tùng ký” cho biết rành rọt về tiết tháo của một vong thần vốn lìa nước để hòng cầu viện nhưng bị giữ vì nhà Thanh sợ cuộc bang giao với Quang Trung bị quấy.
Tháng 8 năm 1804, Lê Quýnh và tất cả các vong thần còn sống sót về đến Bắc thành Thăng Long và mang theo di cốt của vua Lê Chiêu Thống (theo ý nguyện của vua khi còn sống), mẹ và con trai cùng với tàn cốt của các tòng vong đã mất. Trong nhóm tòng vong sống trở về, một số ít chịu làm quan với triều Nguyễn, phần lớn xin về quê hoặc như Lê Quýnh ở chùa với lý do tôi không thờ hai vua.
Theo văn bia trong đền có 23 vị trung thần và 10 vị tòng tự được phối thờ tại đền Cố Lê, trong đó Lê Quýnh được đánh giá là người có khí tiết tiêu biểu nhất, là nhân vật số 1 trong số các bề tôi tiết nghĩa của nhà Lê nên bài vị của ông được đặt ở chính giữa, bài vị 22 trung thần được thờ ở hai bên và 10 người phối thờ ở hai bên tả hữu.
Như vậy, tổng cộng có 33 nhân vật được thờ tại đền Cố Lê. Thứ tự các bài vị được bố trí, sắp đặt theo như lời bàn của bộ Lễ và bộ Công triều Nguyễn.
Đền Cố Lê tọa lạc theo hướng Bắc, xung quanh sát nhà dân, tổng diện tích của di tích là 319,9m2. Đền kết cấu trên mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Nhị” gồm bái đường và hậu đường, ngoài ra còn có cổng. Di tích còn giữ được kiểu kiến trúc từ khi khởi dựng, ít có dấu vết trùng tu của các đời sau.
Đền xưa kia là ngôi đền cổ kính và bề thế, căn cứ vào Hồ sơ khảo sát năm 1984 còn lưu giữ thì đền lúc đó còn lưu giữ được 2 bia đá cho biết đền được khởi công từ ngày 10 tháng 5 âm lịch năm Tự Đức thứ 14 (1861) do tổng đốc Hà Ninh là Hoành Chu soạn vào tháng 5 năm 1861: “Đền thờ ở phía Tây thành Thăng Long, tại phường Thụy Chương, thuộc huyện Vĩnh Thuận (đó là đất thuộc Tây quách, cố đô của nhà Lê), lưng đền giáp sông Tô Lịch, mặt hướng về hồ Tây, trông rộng lớn, có đủ nước, chim, cá, cảnh tự nhiên thực đẹp”. Theo Lê Mạt sử ký thì kiến trúc đền Cố Lê lúc đó gồm: Tiền đường, chính đường 7 gian hợp thành một tòa, hai bên tả hữu tòng tự cũng 7 gian, phía trước và phía sau có nghi môn, bên dưới có 3 cửa hình tròn, thẳng góc với bên trong tường vây. Bên trái xây một tòa nhà lợp ngói, trong số 4 bức vách thì hai vách ở hai đầu dùng gỗ, mặt sau thì dùng tường gạch.
Không rõ từ bao giờ đền đã được sử dụng sang mục đích khác, cụ thể do Hợp tác xã Hoa Sen thuê đất và sử dụng. Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định thu hồi đất của HTX Hoa Sen giao lại cho phường Thụy Khuê quản lý để phục hồi lại chức năng thờ cúng tại đây.
Năm 2017, UBND quận Tây Hồ cùng chính quyền và nhân dân phường Thụy Khuê đã đầu tư kinh phí chống xuống cấp cho ngôi đền bằng hệ thống cột sắt chống đỡ phần kiến trúc, đồng thời đưa hiện vật vào và cho khôi phục lại việc thờ cúng tại đây.
Đền Cố Lê hiện còn bảo lưu được kiểu kiến trúc truyền thống của người Việt mang phong cách chủ đạo thời Nguyễn gồm các hạng mục chính: bái đường và hậu đường với một số mảng chạm tiêu biểu và lối kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật của cung đình. Đặc biệt qua khảo sát cho thấy đền còn giữ được các di vật tiêu biểu như 23 bài vị với các nét chạm khắc hoa văn đặc trưng của thời Nguyễn, bức hoành phi có niên đại thời Nguyễn. Thông qua những di vật này có thể khẳng định được về thời điểm khởi dựng của di tích và việc thờ cúng, tôn vinh các vị trung thần được thờ tại đây đã có từ lâu. Đồng thời những di vật này còn góp phần làm rõ, làm sáng thêm giá trị của di tích trở thành địa chỉ quý cho ngành lịch sử, văn hóa tìm hiểu, nghiên cứu.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh