Giới thiệu
Đền An Thọ hiện nay thuộc số nhà 12 đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Đền An Thọ thờ Hoàng hậu Minh Đức, thân mẫu của Hoàng tử Linh Lang - con vua Trần Thánh Tông đã có nhiều công lớn trong việc đánh giặc Nguyên - Mông. Hoàng tử Linh Lang đã được nhà vua phong là: Dâm Đàm Đại vương, Uy Đô Linh Lang đại vương (Đại vương vùng hồ Tây). Sau này tín ngưỡng đạo mẫu phát triển, đền phối thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Phường Yên Phụ vốn trước đây là làng Yên Phụ, tên gốc là Yên Hoa, huyện Quảng Đức thuộc kinh đô Thăng Long thời Lê. Đây là một làng Việt cổ có lịch sử lâu đời của đất Thăng Long. Đến đầu thế kỷ 19, làng Yên Hoa thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Năm 1831 (Minh Mệnh thứ 12), làng Yên Hoa thuộc tỉnh Hà Nội. Năm 1841, do kỵ húy tên bà Hồ Thị Hoa, thân mẫu vua Thiệu Trị nên làng Yên Hoa được đổi tên là làng Yên Phụ.
Đình Yên Phụ, đền An Thọ và chùa Trấn Quốc ba di tích này nằm liền kề nhau và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đình Yên Phụ thờ Uy Linh Lang đại vương, sinh năm 1241 và hai người em ruột là Vương Duy đại vương và Vương Ba đại vương. Tương truyền Linh Lang là con của Minh Đức Hoàng Hậu - chính phi của vua Trần Thánh Tông. Uy Linh Lang từ nhỏ học rất thông minh và mộ đạo Phật, muốn xuất gia tu hành nhưng không được vua cha chấp thuận. Một hôm Hoàng tử Linh Lang giả làm thường dân trốn ra ngoài tìm thầy học đạo; chỉ một thời gian ngắn Uy Linh Lang đã học thông kinh phật. Nhà vua biết tin bèn triệu về kinh đô, cấp cho trang trại ở làng Yên Hoa để tiếp tục học tập, tu luyện theo giáo lý đạo Phật.
Năm Đinh Hợi (1287), giặc Nguyên Mông kéo quân sang xâm lược nước ta lần thứ ba. Uy Linh Lang chiêu mộ hàng nghìn quân sĩ, tự xưng là “Thiên tử quân” hội quân với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng đánh tan giặc ở Vạn Kiếp, Bạch Đằng… Sau khi giặc tan, Uy Linh Lang được phong làm Dâm Đàm Đại vương, cai quản vùng hồ Dâm Đàm (tức hồ Tây ngày nay).
Sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, hoàng tử Linh Lang từ bỏ mọi công danh phú quý, tự quy y Phật theo phong tục phổ biến thời nhà Trần. Năm 36 tuổi, Uy Linh Lang từ trần vào ngày 8/8 năm Canh Tý (1300). Nhà vua giao cho các làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ), Nhật Chiêu (Nhật Tân) và nhiều làng khác - nơi Uy Linh Lang đã hoạt động, chiến đấu chống quân xâm lược được dựng đền thờ ngài.
Ngày nay, tại đình Yên Phụ vẫn còn lưu giữ tấm bia đá được làm vào năm Lê Gia Tông (1672 - 1675) ghi rõ: “Đình Yên Phụ thờ ba vị thành hoàng làng là Uy Linh Lang Đại vương và hai em là Vương Duy Đại vương, Vương Ba Đại vương. Ba vị đều là con của Hoàng hậu Minh Đức đời Trần. Bia còn ghi rõ hồ Ao Vả xưa kia có đảo nhỏ ở giữa sum suê, xung quanh có các cây Vả. Đền An Thọ thờ Hoàng hậu Minh Đức (thân mẫu ba hoàng tử đời Trần, đứng đầu là Uy Linh Lang Đại vương). Tương truyền, thửa đất đền An Thọ tọa lạc hiện nay vốn là cung An Thọ - chính là nơi ở của Hoàng hậu Minh Đức. Vì vậy, ba người con trai của bà hiện được thờ ở đình Yên Phụ (gần đền An Thọ) là hợp lý và có sức thuyết phục.
Như vậy ba vị thành hoàng làng Yên Phụ: Uy Linh Lang Đại vương, Vương Duy Đại vương và Vương Ba Đại vương, vốn là các vị anh hùng dân tộc đã có công đánh giặc Nguyên Mông xâm lược và đã có thời gian sống, hoạt động tại làng Yên Phụ cùng thân mẫu là Hoàng hậu Minh Đức ở bên ngoài thành Thăng Long.
Vào các triều đại Lý, Trần, Lê, ở vùng hồ Tây vốn có các hành cung, cung điện của triều đình để làm nơi nghỉ ngơi, an dưỡng của các bậc vua chúa vì vùng này rất đẹp lại gần kinh thành Thăng Long. Hơn nữa theo truyền thống Nho giáo nước ta, ở đình đã thờ thành hoàng làng thì không thể là nơi thờ thân mẫu các vị thành hoàng đó. Vì vậy từ một cung An Thọ nơi Hoàng hậu Minh Đức ở (lúc sinh thời) trở thành đền An Thọ sau khi bà qua đời cũng là thông lệ hình thành ở nhiều đền, miếu. Sau này, tại đền An Thọ còn phối thờ mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử ở nước ta.
Đền An Thọ được xây dựng ở trung tâm của phường Yên Phụ, mặt trước hướng ra hồ Tây, mặt sau là đường Thanh Niên, đền nằm kế cận với chùa Trấn Quốc - một ngôi chùa cổ và nổi tiếng của quận Tây Hồ.
Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết đền được xây dựng theo hướng tây, trước đây đền có quy mô rộng lớn, nguyên khởi đầu là một ngôi miếu thờ thân mẫu của Thần Linh Lang. Di tích nằm trong bộ đôi đình, đền Yên Phụ. Di tích thờ thuận về chủ đề tín ngưỡng, đồng thời lại thuận cả về thế địa văn hóa (tâm linh). Căn cứ bản đồ địa chính năm 1960, thửa đất số 644, tờ bản đồ số P38 với bằng khoán thổ số 1075 Quán Thánh, chú thích là đất công đền thờ Thần và một không gian văn hóa khang trang vuông vức, lưng tựa vào đường, mặt mở ra hồ, liên kết hữu cơ và lịch sử với cụm di tích đình Yên Phụ - chùa Trấn Quốc - đền An Thọ để hợp thành một quần thể di tích, thắng cảnh có một không hai ở góc đông nam của hồ Tây.
Đền An Thọ là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng để thờ Mẫu, đã có công bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng. Việc thờ phụng vị Thần trong đền An Thọ là thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của những người dân nơi đây trong việc kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha. Đền An Thọ thờ Hoàng hậu Minh Đức - vợ vua Trần Thánh Tông, người đã sinh thành ra Hoàng tử Linh Lang có nhiều công lớn trong việc đánh giặc ngoại xâm đưa lại độc lập tự do cho đất nước. Thần đã có công âm phù cho dân cho nước nên cần được trân trọng giữ gìn và bảo vệ.
Đền được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1775/QĐ-UBND ngày 13/4/2014./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
3.9Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
3.43Km