Giới thiệu
Chùa Linh Sơn còn có tên là Chùa Tảo Sách. Nhân dân địa phương quen gọi là Chùa Nhật Tân vì chùa hiện tọa lạc tại thôn Nam, làng Nhật Tân nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trước đây, chùa được đặt theo hướng đông bắc - tây nam. Nay chùa được đặt theo hướng tây bắc - đông nam, nhìn ra Hồ Tây mênh mông sóng nước. Về mặt phong thủy mà nói, chùa ở vào vị thế long chầu hổ phục. Bên trái dòng Nhĩ Hà như Thanh Long chầu vào, bên phải núi Long Đỗ như Bạch Hổ bái phục. Đối diện với Chùa Trấn Bắc ở phía đông, Chùa Linh Sơn ở phía tây cũng là một ngôi chùa có cảnh quan tuyệt mỹ. Nhật Tân là quê hương của hoa đào, hoa sen. Trên đào dưới sen quả là cảnh tiên đất phật. Trước cửa chùa có cây đào phai trăm tuổi. Xuân về hoa nở hồng mặt đất, nào kém Bàn Đào của Tây Vương Mẫu. Câu đối ở thiên trụ trước chùa đã phần nào mô tả cảnh đẹp chốn thiền môn.
Lãng Bạc thanh phong, thủy nhiễu hoa hoàn trưng thắng địa.
Tây Hồ minh nguyệt, dân khang vật thịnh hiển linh cơ.
Tạm dịch:
Lãng Bạc trăng trong, nước biếc hoa vờn ngời thắng địa.
Tây Hồ gió mát, dân khỏe của nhiều tỏ thần thiêng.
Hay:
Để trụ y nhiên trĩ đối Nùng Sơn tiêu thắng cảnh
Lan đài trác nhĩ trường lưu Nhĩ Thủy chí danh lam.
Tạm dịch:
Thiên trụ vững vàng, Nùng Sơn đối xứng nêu thắng cảnh
Lan đài vòi vọi, Nhĩ Hà ôm ấp nổi danh lam.
Chùa Linh Sơn được xây vào thời Tiền Lê. Hiện chưa có tư liệu nào chuẩn xác nói rõ chùa được xây cất vào năm nào. Một thời gian khá dài, chùa bị lãng quên, không người tụng kinh gõ mõ. Đến cuối triều Bảo Đại người ta mới xây dựng lại theo quy mô như hiện nay.
Chùa Linh Sơn là điển hình của tư tưởng tôn thờ Tam giáo và thờ cúng tổ tiên. Đã là chùa thì việc thờ Phật là lẽ đương nhiên. Bên trái thượng điện tôn thờ tư tưởng Khổng Tử. Phía trên có bốn chữ lớn: Sát kỳ sở an (Xem xét cẩn thận khi còn bình an). Khi bình an, khi mọi việc trôi chảy, con người tỏ ra khinh suất không phòng bị, không lo tu sửa mình nên khó tránh khỏi tai họa nguy hiểm. Khổng Tử dạy con người phải năng tu sửa mình, điều mình không muốn thì không làm cho người khác, khuyên làm điều thiện, bỏ điều ác, dù ở đâu, lúc nào cũng phải thận trọng với mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Bên phải thượng điện tôn thờ tư tưởng Lão Tử. Phía trên cũng có bốn chữ lớn: Vô vi nhi trị. Vô vi mà trị thiên hạ, không làm gì cả mà thiên hạ đâu vào đó, mọi vật đâu vào đấy, đó là tư tưởng của Đạo gia, của Đạo giáo. Nhìn chung các chùa đều có tượng Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng theo quan niệm của Phật giáo chính là Đế Thích – vị chủ tể cõi trời Dao Lị thống lĩnh 33 vùng trời. Khi Thích Ca giáng sinh, Đế Thích đã ngụ xuống đón mừng khuyến khích Thích Ca đến thụ trì giáo lý ở đức Phật. Khi Phật sắp nhập Niết bàn ngài cũng ngự xuống tỏ ra buồn rầu. Vừa theo Đạo Bàlamôn vừa theo Đạo Phật, Đế Thích nguyện với Phật sẽ thường xuyên hỗ trợ Tam bảo. Chính vì vậy, Đế Thích thường xuyên hiện ra để thử đức hạnh của các Bồ Tát và của Thích Ca, cũng thường hỗ trợ các vị đó.
Như vậy, Ngọc Hoàng được thờ ở chùa là để giúp Phật, Pháp, Tăng hành đạo. Thực ra ở các chùa Việt Nam và đặc biệt là Chùa Linh Sơn việc thờ Ngọc Hoàng không đơn thuần như vậy. Ngọc Hoàng là vị thần tối cao trông coi cả tam giới: thượng giới, trung giới và hạ giới. Ngọc Hoàng là chủ tể bách thần. Thông qua các thần, Ngọc Hoàng có thể ban phúc lộc cho từng nhà, từng người. Thông qua bách thần Ngọc Hoàng có thể trị tội từng kẻ làm việc ác. Ngọc Hoàng là vị thần tối cao của tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo. Thần tượng Ngọc Hoàng ở Chùa Linh Sơn là thần tượng tối cao của Tam giáo và của tín ngưỡng dân gian. Hai hàng đại tự trong chùa phần nào thể hiện được tư tưởng này:
Hoàng thiên vô thân duy phụ đức
Tích thiện chi gia hữu dư khánh.
Tạm dịch:
Trời cao vô tư giúp người có đức
Nhà nào tích thiện phúc khánh dư thừa.
Đặc biệt, phía bên phải nhà bái đường là nơi thờ cúng tổ tiên, những người sáng lập vùng đất Nhật Tân này.
Làm việc thiện để tích đức, Chùa Linh Sơn là cơ sở sinh hoạt của hội Hoa Nghiêm. Hội bao gồm những thiện nam tín nữ của Nhật Tân và của thập phương cùng chung thiện tâm thiện hành là: Tụng kinh Hoa Nghiêm, làm điều thiện, tích đức. Hội rất tôn sùng, học và làm theo Địa Tạng Bồ tát, một vị Bồ tát đại từ đại bi sinh ra khi mà Thích Ca đã nhập Niết bàn mà Di Lặc lại chưa xuất thế. Địa Tạng Bồ tát ở vùng Dao Lị nhưng luôn quan sát căn cơ của chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, nhẫn nhìn an nhiên bất động như đại địa, tĩnh lặng sâu kín tàng chứa những điều bí mật nên gọi là Đại Tạng. Bồ tát nguyện cứu vớt hết chúng sinh trong lục đạo rồi mới nguyện thành Phật. Bồ tát hiện ra ở cõi trời, cõi người và địa ngục với dáng đầu tròn, tay cầm viên ngọc quý, tay cầm tích trượng.
Khu tháp của Chùa Linh Sơn có tạc tượng Địa Tạng Bồ tát bằng đá. Rất tiếc tượng bị gẫy tay. Chúng ta có thể phục chế lại theo hình tượng tay cầm viên ngọc, tay cầm tích trượng như trên. Hiện trong chùa còn tấm bia Linh Sơn Hoa Nghiêm hội bi nói rõ về tôn chỉ, mục đích của hội, ghi tên tuổi các gia tiên dòng họ là thành viên của hội. Đặc biệt, còn có tấm bia Bài ký bia kỷ niệm Chùa Linh Sơn nói khá rõ về lịch sử chùa.
Giá trị đặc biệt của chùa Tảo Sách là ở kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và độc đáo. Chùa làm kiểu chữ Đinh một lối kiến trúc tôn giáo cổ truyền. Nhưng trên bộ khung kiến trúc ấy có gắn thêm những mảng khối trang trí mới như hai bức tường hồi tiền đường và tường hậu cung. Những nét trang trí mới đó phần nào cũng có ở kiến trúc cố đô Huế và ở kiến trúc cổ Hội An thế kỷ XIX. Phải chăng đây là sự gặp gỡ của hai nền văn hóa Hoa – Việt thế kỷ XIX. Nghệ thuật tạo hình đã hội tụ các nguồn ảnh hưởng trong vào ngoài nước. Đây là sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa thế giới. Nghệ nhân xưa đã chọn lọc những nét nghệ thuật mới của nước ngoài phù hợp với dân tộc tạo nên một thứ văn hóa đặc sắc, góp thêm sự phong phú của nền nghệ thuật Việt Nam. Sự tiếp thu này làm cho kiến trúc tăng thêm giá trị, tạo sự thanh thoát cho di tích gây sự chú ý ngưỡng mộ đối với khách đến thăm lễ chùa.
Chùa Tảo Sách nổi tiếng là một ngôi chùa đẹp của vùng ven sông Nhị. Chùa có vẻ đẹp riêng biệt, một ngôi chùa cổ ẩn mình trong làn khói tỏa cành sương của Tây Hồ. Sánh với chùa Kim Liên bên bờ phía Nam, chùa Quảng Bá bên tả là những di tích nổi tiếng của vùng hồ Tây. Chùa là một điểm sáng văn hóa, là điểm du lịch nổi tiếng về di tích lịch sử ven đô.
Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 23/7/1993./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
1.28Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
0.35Km