Giới thiệu
An Thái là một địa danh cổ nằm ở phía tây của kinh thành Thăng Long dưới các vương triều quân chủ. Đã từ lâu mảnh đất và con người An Thái rất nổi tiếng khắp cả nước bởi những kỳ tích gắn bó với lịch sử dân tộc và bởi bàn tay, khối óc tài hoa đã dựng lên truyền thống của một nghề thủ công mà cuộc sống và nhiều sản phẩm độc đáo của họ đã đi vào sử sách, ca dao, huyền thoại.
Đình An Thái hiện nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, trước đây là phường An Thái, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Đình thờ tự ông Dầu bà Dầu - Vũ Phục. Vùng ngã ba sông Tô Lịch và Thiên Phù, ngoài Đình Yên Thái còn các đình khác như Đình Bái Ân, Đình Tiên Thượng cũng thờ ông Dầu bà Dầu.
Sự tích ông bà như sau:
Dưới triều Lý Nhân Tông có người họ Vũ tên Phục. Vũ Phục vốn người ở Bạch Hạc lấy vợ ở làng Minh Tảo nay là làng Xuân Tảo. Hai vợ chồng làm nghề bán dầu nên dân làng quen gọi là ông bà Dầu. Sáng sớm gánh dầu đi, đến chiều tối mới về. Lúc đó vua Lý Nhân Tông bị đau mắt nặng, chữa mãi không khỏi. Một hôm, vua thấy một vị thần báo mộng “bệnh đau mắt là do hai dòng sông Thiên Phù và Tô Lịch gặp nhau, nước xoáy vào vùng chợ Bưởi đe dọa góc thành Đại La. Muốn cho nhà vua khỏi mắt cần cúng thần sông. Vào một buổi sáng sớm, hễ gặp ai đi qua khúc sông này thì bắt ném xuống nước để yên lòng thủy thần”.
Một buổi sáng nọ, sương chưa tan thì đã thấy hai người đi tới ven sông. Đó là vợ chồng Vũ Phục từ làng Minh Tảo gánh dầu đi chợ. Quan quân liền chặn lại không cho đi. Vũ Phục ngạc nhiên nói: “Vợ chồng lão già này sớm đi tối về, chỉ biết nghề buôn bán nay quan quân vô cớ chặn đường, đây là phúc hay họa vậy?”. Sứ thần không nói năng gì, cho người phi báo với vua: “Chúng thần phụng mệnh đến đón ở bờ sông, chỉ thấy ông già bán dầu đến bến sông, chúng thần đã cho giữ lại, nay xin nhà vua phán xử”.
Nhà vua trầm tư suy nghĩ và nói: “Nên đem lời của thần trong giấc mộng nói thực cho họ rõ, không nên ép buộc”.
Quan quân thưa với ông bà Dầu: “Người đời sinh ra từ xưa đến nay ai mà không chết, nhưng để tiếng cho đời sau mới là đáng quý. Ngày xưa, vua Vũ Vương bị ốm, Chu công lập đàn cầu xin chết thay, lòng trung sáng tỏ giữa đất trời, đời sau không hết lời khen ngợi. Nay nếu ông bà không tham cuộc sống chật hẹp nơi ngõ hẻm, chết vì vua cũng khiến cho lòng trung nghĩa không bị phai mờ, tiếng thơm còn muôn thủa, giữ gìn vững chắc thành trì để cùng với đất trời dài lâu mãi mãi. Làm phúc thần ngầm giúp nhân dân, linh thiêng lẫy lừng há chẳng tốt đó sao”.
Ông Vũ Phục trầm tĩnh nói:
“Cái chết không ai muốn, nhưng danh tiếng cũng khó mua. Người ta sinh ra trên đời này đâu phải chỉ người lưng đeo đai vàng, chân đi giầy ngọc mới biết lưu danh muôn đời. Ta há lại quẩn quanh với đôi thùng, cầu sống lâu mà làm gì!”.
Nói đoạn ông bà ngửa mặt lên trời mà khấn rằng: “Vợ chồng tôi quên mình vì nước để giúp nhà vua, trời có thấu hay chăng xin được chứng giám”. Khấn xong họ cùng nhảy xuống sông. Hôm ấy là ngày cuốn tháng trọng đông (ngày 30 tháng 11).
Từ đấy dòng sông bình yên, đê được giữ vững, thành trì không bị xói lở, bệnh đau mắt của nhà vua cũng khỏi. Vua cho lập đền thờ, phong ông bà làm Phúc thần. Gia phong:
Chiêu ứng phù vận Đại vương,
Thuận chính Phương Dung Công chúa.
Vua xuống chiếu cho tìm con cháu, người thân thuộc dời đến phường Tích Ma (nay là An Thái) để giữ lăng tẩm. Đến nay người họ Vũ ở An Thái đều là con cháu của Phúc thần.
Hàng năm để tưởng nhớ ông bà Vũ Phục đã tự nguyện hy sinh thân mình vì vương triều Lý và sự bền vững của kinh thành Thăng Long, vào ngày kỵ 30 tháng 11 dân làng sửa lễ cúng tế, 10 tháng 2 mở hội tế lễ. Trước đây, hội Đình An Thái là lễ hội lớn trong vùng. Đồ tế lễ gồm xôi dẻo, bò béo và các vật phẩm khác theo ý nguyện của thần trước khi hóa. Thần phả và văn bia cho biết đền thờ ông bà Vũ Phục và người em được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI). Niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông (1680 - 1705) đại trùng tu. Từ đó về sau đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Sau mỗi lần tu sửa, dân làng đều dựng bia ghi lại sự việc.
Đình An Thái được xây dựng trên khu đất cao theo hướng Tây Nam. Trước đây đình có quy mô kiến trúc lớn và hoàn chỉnh. Thời gian binh hỏa, mở đường đã làm cho một số bộ phận trong quy hoạch tổng thể của di tích bị mai một dần. Năm 1998, đình được tu bổ tôn tạo với quy mô lớn bao gồm các hạng mục: tứ trụ, tam quan, đại đình, tả hữu vu, sân tường bao và công trình phụ trợ, phục hồi nhà bia mộ Vũ Phục. Hiện tại kiến trúc đình bao gồm cổng tam quan lớn ở phía trước, sân đình, tả hữu mạc và khu thờ tự.
Sau gần một nghìn năm tồn tại, đình An Thái đã vượt qua bao thử thách khắc nghiệt của thời gian, bao biến đổi thăng trầm của lịch sử nước nhà. Năm tháng, binh hỏa chỉ có thể làm biến đổi diện mạo của ngôi đình, còn giá trị to lớn được định hình ngay từ khi di tích mới được ra đời vẫn đọng lại và tồn tại bền vững tới ngày nay.
Đình được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử tại Quyết định số 502/QĐ-BT ngày 28 tháng 4 năm 1994./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
3.47Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
1.87Km