Giới thiệu
Chùa Mật Dụng tọa lạc ở thôn An Đông, phường Bưởi, quận Tây Hồ, nhìn ra đường Thụy Khuê. Do chùa ở thôn Đông nên xưa nay vẫn quen gọi là chùa làng Đông. Tuy vậy, dân địa phương vẫn nhớ tên Mật Dụng với lòng thành kính, tôn sùng.
Chùa thuộc khối 73, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội (nay là địa bàn dân cư số 7, phường Bưởi tại địa chỉ số 2, ngõ 444 Thụy Khuê). Chùa nằm ở phía tây thành phố Hà Nội. Từ Trung tâm Thành phố muốn đi đến di tích, đi theo trục đường sau: Bờ Hồ - Tràng Thi - Trần Phú - Hùng Vương - Thụy Khuê đến ngõ 444 đường Thụy Khuê rẽ phải vào trong làng, chùa nằm ngay sát đình Đông Xã.
Chùa có sức hấp dẫn lạ thường với dân địa phương và các phật tử vì chùa tu theo Mật tông. Nó thỏa mãn được sự đốn ngộ của Phật, sự ban phúc của các thiên thần, sự xá tội của các địa thần, sự giải ách của các thủy thần. Nào bùa chú, phù phép, lập đàn giải hạn, chùa đều đáp ứng.
Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Mật Dụng được dựng theo nhu cầu phát triển của Phật giáo. Chùa thờ Phật, song riêng với chùa Mật Dụng, qua việc tìm hiểu lịch sử và quá trình tồn tại của nó giúp chúng ta thấy được bước phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, Đạo Phật là một tôn giáo thế giới bắt nguồn từ đất nước Ấn Độ do Thích Ca Mâu Ni khởi xướng và được lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sự lan toản của nó đã dẫn dắt đạo Phật phát triển thành nhiều tông phái khác nhau, trong đó có phái Mật Tông là phái phát triển mạnh ở nước ta vào thời nhà Lý. Vào những năm đầu Công nguyên, Phật giáo đã được truyền bá và phát triển mạnh ở Việt Nam. Từ đó Phật giáo kết hợp với các tôn giáo của bản địa khác tồn tại cho đến nay. Trên con đường phát triển đó đã sản sinh ra hàng loạt ngôi chùa của các chế độ phong kiến tạo dựng nên, bên cạnh đó là các ngôi chùa của làng xã do nhân dân xây dựng bằng lòng ngưỡng mộ đạo Phật của mình. Trong số đó, chùa Mật Dụng còn đến ngày nay là một may mắn cho việc tìm hiểu nội dung phát triển kiến trúc Phật giáo của làng xã, của người Việt nói chung và người dân sống bằng nghề thủ công nghiệp quanh kinh thành Thăng Long nói riêng.
Chùa Mật Dụng như tên gọi và phát triển của nó đã khẳng định tính chất là một công trình kiến trúc của di tích. Chùa hiện nay nằm ở khu đất cao, rộng rãi và bằng phẳng trong khu vực cư trú của thông Đông xưa, chùa quay mặt ra phía đường Thụy Khuê. Không gian kiến trúc Chùa Mật Dụng khá thoáng đãng, bao gồm tam quan, sân gạch, chùa chính, hai dãy dải vũ, nhà tổ và khu vườn rộng lớn.
Tam quan chùa được xây dựng giống với Tam quan của các đình, đền, miếu thời Nguyễn ở nước ta. Chùa chính được làm theo kiểu chữ công bao gồm nhà tiền đường, thiêu hương và hậu cung.
Cũng như các ngôi chùa khác, việc bài trí của các pho tượng Phật ở chùa Mật Dụng đã tuân thủ chặt chẽ những quy định của một Phật điện đại thừa ở nước ta. Các pho tượng chính được tập trung thành khối gồm nhiều lớp từ hậu cung ra gần tiền đường. Ở vị trí cao nhất sát tường hậu cung là ba vị Tam thế ngồi trên toàn sen theo thế kiết già, tay kết ấn. Lớp thứ hai gồm có Adiđà có kích thước lớn, hai bên là pho tượng Quan thế âm và Đại thế chí. Hàng thứ ba là tượng Phật nhập Niết bàn, hai bên là hai vị Bồ tát văn thù và Phổ hiền cưỡi trên trên lưng Thanh sư và bạch tượng như ta thường thấy ở các ngôi chùa Tượng Phật nhập niết bàn ít thấy trong các ngôi chùa Đại thừa ở bắc bộ, nó chủ yếu nằm trong các Phật điện Tiểu thừa. Sự hiện diện của pho tượng này có thể là hình tượng riêng của chùa Mật Dụng.
Sau lớp tượng Phật nhập Niết bàn là tượng Di Lặc, hai bên là một vị Bồ Tát và tượng Ngọc Hoàng.
Ngoài cùng là pho tượng Cửu Long và Nam tào Bắc đẩu.
Ở hai bên hậu cung có hai vị Bồ tát Quan âm tống tử và Địa tạng. Dịch ra ngoài, sát nhà thiêu hương là hai dãy tượng Thập điện Diêm vương – đại diện tối cao của tòa án lâm cung. Cuối cùng là những pho tượng ở nhà tiền đường gồm Đức ông, Giám trai và hai pho tượng lớn khuyến thiện và trừng ác.
Chùa Mật Dụng ngày nay còn lưu giữ được bốn bức hoành phi và hai đôi câu đối bằng chữ hán, 02 bài thơ và 4 cửa võng. Hầu hết các bức hoành phi, câu đối, bài thơ cửa võng đều được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tất cả đều mang niên đại của các triều vua Nguyễn ở thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Quả chuông “Mật Dụng hồng chung” đúc thời Cảnh Thịnh (1794) là di vật quý không chỉ vì nó là di vật văn hóa của thời Tây Sơn còn sót lại mà còn về mặt nghệ thuật nó mang giá trị mở đầu cho sự ra đời của những quả chuông thời Nguyễn sau này. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), chùa được tu bổ lại, xây thêm gác chuông, tô vẽ tượng Phật.
Chùa Mật Dụng là một công trình kiến trúc cổ có giá trị nhiều mặt trong quá trình tìm hiểu lịch sử văn hóa của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội, và đặc biệt là về khu vực phía tây thành Thăng Long xưa. Nằm ven hồ Tây trong một khu vực đậm đặc những truyền thuyết và di tích lịch sử của Hà Nội, phía trước là đền Đồng Cổ hàng năm vẫn vang vang lời thề “Trung với nước, hiếu với dân” của vương triều Trần ngày 4/4 nên sự hiện diện của di tích sẽ góp thêm tiếng nói khẳng định vị trí lịch sử của khu vực này trong đời sống văn hóa tinh thần của kinh đô Thăng Long xưa.
Chùa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21 tháng 01 năm 1989./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
3.5Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
1.97Km