Giới thiệu
Từ cổ xưa, hồ Tây là một danh thắng nổi tiếng của kinh đô Thăng Long – Hà Nội. Nơi đây tập trung rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Chùa Kim Liên thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An là một trong những di tích rất có giá trị của vùng này. Chùa Kim Liên ở vào một vị trí rất đẹp, xung quanh bốn bề là nước, mặt hướng ra hồ Tây, lưng tựa đê Yên Phụ, bên trái là khách sạn Thắng Lợi, bên phải là làng Nghi Tàm có truyền thống về cây cảnh, cá vàng.
Chùa Kim Liên là nơi thờ tự và tưởng niệm về nàng công chúa Từ Hoa đoan trang, đức độ, người có công giúp dân chăn tằm dệt lụa thời Lý Thần Tông (1128 - 1138).
Chùa tọa lạc trên bãi Ngư Đại - một gò đất cao thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Gò đất này người Tây Hồ vẫn gọi là gò Hành Cung hay gò Cung. Sở dĩ có tên gọi lịch sử này vì Lý Thánh Tông cho xây cung Quan Ngư (xem cá) tại đây. Sau đó Công chúa Từ Hoa - con gái vua Lý Thần Tông xin ra mở trại dâu nuôi tằm mới đổi là trại Tàm Tang, lập cung Từ Hoa trên đất này. Thời Trần đổi trại Tàm Tang thành trại Tích Ma, rồi phường Tích Ma. Cuối thời Trần nhân nền cũ của cung Từ Hoa dân địa phương lập ngôi chùa gọi là Chùa Đống Long. Thời Lê đổi phường Tích Ma thành phường Nghi Tàm. Chính thời kỳ này chùa cũng đổi tên là Chùa Đại Bi.
Năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770) Trịnh Sâm trùng tu chùa đổi tên là Chùa Kim Liên.
Năm Quang Hưng thứ năm (1792) cả chùa trên và chùa dưới lại được trùng tu.
Năm Tự Đức thứ 20 (1867) dân địa phương trùng tu, cho khắc bia ghi lại sự việc lớn lao này.
Giá trị đặc biệt của chùa là ở kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và độc đáo. Chùa làm theo kiểu chữ tam một lối kiến trúc tôn giáo cổ truyền. Ở miền bắc nước ta chỉ có hai nơi làm theo kiểu đó là chùa Kim Liên và chùa Tây Phương. Chùa có mái chồng diêm, hai tầng tám mái, mái lợp ngói mũi hài cổ, tường xây mộc không chát, các đầu tường đều có cửa sổ tròn theo chữ nhà Phật là sắc sắc, không không. Đặc biệt các họa tiết trang trí trên kiến trúc được thể hiện với các đề tài phong phú và đa dạng như trúc lão, rồng phượng, văn mây, cây ngô đồng, tang trống, nổi bật và tập trung hơn cả là hình tượng bông hoa sen nở trên mặt nước được thể hiện rất tinh xảo và sống động, kỹ thuật chạm khắc ở đây đạt đến trình độ điêu luyện.
Chùa còn lưu giữ được tòa Tam quan duy nhất của miền Bắc nước ta làm theo kiểu “Tam sơn - Tứ trụ”. Đây là sự kế thừa và phát huy nghệ thuật kiến trúc các đời trước được sử dụng và đặt đúng chỗ. Kiến trúc nghệ thuật ngôi chùa nằm trong nền nghệ thuật hoàn chỉnh thời Lê Trịnh, phản ánh quá trình phát triển lịch sử nghệ thuật dân tộc.
Qua cổng tam quan là khoảnh vườn hoa cây cảnh xanh tươi bốn mùa hoa nở ngát hương thơm, qua sân gạch đến chùa chính, một tổng thể các công trình kiến trúc được tạo dựng theo kiểu chữ tam ngoài tường liên kết thành chữ nhật.
Tổng thể kiến trúc chùa gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng được tạo dựng hài hòa, các nếp nhà nối tiếp nhau liên hoàn, kết cấu vững chắc tạo thành một khối thống nhất. Đặc biệt thể hiện thành công nhất ở sự chuyển tiếp từng tòa nhà rất khéo léo, chặt chẽ khiến ta có cảm giác toàn bộ ngôi chùa là một hệ thống kiến trúc, một tòa nhà nhiều gian, chứ không còn cảm giác phân biệt từng tòa nhà cách biệt theo chức năng vốn có của nó. Nhìn từ xa, chùa Kim Liên có kiến trúc ba tòa đồng trục hoành, tượng trưng cho sự hòa hợp Trời - Đất - Con người. Với kỹ thuật xây và lát gach mộc, thêm nữa là những vòng cửa pháp luân “Sắc - Không” và những tàu đao mái chồng diêm bay bổng, chùa Kim Liên gợi suy cảm về ý nghĩa nhiệm mầu giản dị của giáo lý Thiền, phổ độ chúng sinh. Nghệ thuật kiến trúc chùa Kim Liên nhất quán kiểu thức chồng rường, với những chi tiết gọn gàng, thanh thoát… Hình tượng hoa sen trong các đồ án trang trí như dẫn truyền những ý niệm triết học trừu tượng của Phật giáo. Ấn tượng nghệ thuật cô đọng chính là ngôi Tam quan tượng hình một đóa hoa sen vươn cao bên gương nước hồ Tây, mở cánh cửa từ bi, đón thành tâm hướng về Phúc Thiện.
Trong chùa còn có hệ thống tượng Phật khá phong phú gồm 50 pho. Đáng chú ý là pho tượng Công chúa Từ Hoa và tượng chúa Trịnh. Pho tượng Công chúa Từ Hoa được tạo nên để tưởng nhớ công đức của người con gái đã có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt gấm. Đây là một nghề cao quý mà chính tổ tiên - Nguyên Phi Ỷ Lan để lại.
Pho tượng chúa Trịnh được tạo nên để ghi nhớ công lao của chúa đối với chùa.
Bộ sưu tập di vật của chùa hiện còn là những di vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Những pho tượng của chùa được tạo thành bộ sưu tập tượng tròn mang giá trị nghệ thuật cao. Các tác phẩm ở đây thật sự là những tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo, nó thể hiện cho một trình độ kỹ thuật tinh xảo và điêu luyện đôi bàn tay khéo léo của cha ông ta. Đặc biệt trong chùa còn lưu một pho tượng “theo đoán định của một số nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu tượng pháp cho biết đó là pho tượng chúa Trịnh Giang”. Đây là một tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo, thể hiện phong cách tư thế và chức tước của một vị chúa. Đây cũng là một đối tượng đang được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Chùa Kim Liên nổi tiếng là một ngôi chùa đẹp nhất vùng Hà Nội mang vẻ đẹp riêng biệt. Một ngôi chùa cổ ẩn mình trong làn khói tỏa cành sương của Tây Hồ, sánh với chùa Tây Phương dựng trên núi cao, đắm mình trong nắng vàng ban mai, một thủy, một sơn nhưng về mặt cấu trúc, trang trí nghệ thuật chỉ khác nhau đôi chút về kích thước còn lại thì giống nhau y hệt.
Toàn bộ phong cảnh bên ngoài, kiến trúc độc đáo bên trong và những tấm bia đá, những pho tượng rất mỹ thuật đã làm tăng giá trị của chùa và từ lâu là đối tượng nghiên cứu, tham quan của các nhà sử học, mỹ thuật kiến trúc, của những người am hiểu di tích lịch sử trong nước và nước ngoài. Chùa Kim Liên nhìn từ xa từ đê Yên Phụ phảng phất hình dáng của một cung điện nguy nga cổ kính. Sách “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” của Hoàng Đạo Thúy có đoạn viết: “… đến Nghi Tàm… có một ngôi chùa cổ và đẹp. Từ trên đê trông xuống chùa mà phảng phất lại có vẻ cung điện. Không làm lối chuôi vồ như các chùa khác mà lại dựng lối nếp trong, nếp ngoài, nếp ngoài có tầng lầu mái có đao cong nhọn. Dầm sà, kèo cột cũng làm một cách rất đặc biệt và tinh vi. Rõ ràng là lối cung cấm. Cổng cũng không giống cổng chùa khác, đây là chùa Kim Liên… có thể nói Kim Liên là ngôi chùa cổ đẹp nhất vùng Tây Hồ.
Là một di tích quý hiếm của địa phương, trong những năm qua chùa Kim Liên đã được nhân dân cùng chính quyền địa phương, Thành phố quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu lớn vào năm 1987, 2010. Chùa thường xuyên có nhà sư trụ trì lo việc đèn hương trông nom và sửa sang ngày một khang trang.
Chùa Kim Liên là di tích lịch sử kiến trúc và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, đã được nhà nước công nhận năm 1962. Hiện nay chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhà chùa đang tích cực hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
2.69Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
2.44Km