Giới thiệu
Đình Quảng Bá hiện nay thuộc thôn Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá là một làng cổ của Thăng Long thời Lý - Trần, theo bài văn tế bằng chữ Hán hiện còn tại đình và lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì họ Hoàng, họ Lê là những họ đến lập nghiệp ở mảnh đất này sớm nhất.
Các họ Ngô, Vũ, Nguyễn là họ đến sau. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, làm bãi ven sông. Sau này có thêm nghề trồng hoa, cây cảnh, nghề ướp chè sen. Làng có ba giáp là: Giáp Thọ, Giáp Lê, Giáp An.
Quảng Bá là một trong ba thôn của xã Quảng An, trước năm 1942, ba xã Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, thuộc tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1942 cả ba xã nhập vào “Đại lý đặc biệt Hà Nội”. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Quảng Bá cùng với xã Nhật Tân lập thành xã Quảng Tân. Năm 1955, ba xã thuộc quận Quảng Bá, ngoại thành Hà Nội.
Từ năm 1961 đặt tên là xã Quảng An, thuộc huyện Từ Liêm, đến năm 1996 xã Quảng An đổi thành phường Quảng An, thuộc quận Tây Hồ.
Theo truyền thuyết vào thế kỷ thứ VIII, khi đem quân xuống vây đánh thành Tống Bình do viên quan đô hộ Cao Chính Bình đứng đầu, Phùng Hưng đã trú quân tại Quảng Bá. Để nhớ ơn ông dân làng đã lập đền thờ và sau tôn ông làm thành hoàng làng với tên Bố Cái Đại Vương.
Lai lịch và công tích của thần được mô tả như sau: Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử lớn của dân tộc ta ở thế kỷ VIII. Ông đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành lại độc lập dân tộc trong hơn bảy năm. Sự tích về người anh hùng dân tộc tiêu biểu này được ghi chép nhiều trong sách sử và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Sách Việt điện linh của Lý Tế Xuyên viết: “… Tổ tiên họ Phùng đời đời làm quan ở châu Đường Lâm, nhà giàu và có uy lớn với dân quanh vùng. Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải rất khỏe, có sức vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm đường. Bấy giờ vào nửa sau thế kỷ VIII, sự thống trị của nhà Đường ngày càng suy yếu. Chiến tranh giữa Phiên trấn (bọn Tiết độ sứ cai quản miền biên cương) và triều đình đã làm cho vương triều Đường ngày càng yếu dần. Uy quyền của bọn Tiết độ sứ và bọn quan lại đô hộ ngày một tăng, chúng tự ý trưng thu thuế má, bòn rút của cải của nhân dân.
Khoảng đời Đại Lịch (776 - 779) nhân lòng căm phẫn của nhân dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống bọn đô hộ, người Hào trưởng đất Đường Lâm là Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ đất Đường Lâm rồi đánh chiếm được cả một vùng rộng lớn quanh Đường Lâm, xây dựng thành căn cứ địa chống giặc. Theo lời khuyên của thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn là người đồng hương, Phùng Hưng tiến quân xuống Tống Bình vây Phủ Thành. Đô hộ Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành đón đánh, bị thua to, lo quá phát bệnh mà chết. Phùng Hưng vào thành Tống Bình tổ chức việc tự chủ lâu dài. Sau khi Phùng Hưng mất, nhiều người muốn lập em là Phùng Hải lên thay, nhưng viên Đầu mục là Bồ Phá Cần đã lập con Phùng Hưng là Phùng An nối ngôi.
Phùng An tôn xưng cha là Bố Cái Đại Vương, xây lăng mộ ở phía tây bắc thành Tống Bình.
Để ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, nhân dân một số làng nằm trên tuyến đường tiến quân vào bao vây trại giặc của nghĩa quân Đường Lâm đã lập đền thờ Bố Cái Đại Vương và tôn ông làm Thành hoàng làng.
Xưa kia Quảng Bá có tên chữ là Quảng Bố nhưng vì kiêng húy Thành hoàng làng nên đọc chệch là Quảng Bá.
Theo nhân dân kể lại, trước đây đình Quảng Bá được xây dựng trên gò Con Xà (gò Con Rắn) cách ngôi đình hiện tại khoảng 1000m về phía Tây Nam, cách chùa Long An (chùa Quảng Bá) khoảng 300m về phía tây. Nhưng do thế đất không thuận, trong làng thường xảy ra chuyện dữ, trai đinh thường hung hãn, nên dân làng nhờ thầy địa lý xem thế đất và dựng lại ngôi đình trên địa điểm hiện nay.
Đình Quảng Bá cũng là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử của dân tộc nói chung và của địa phương nói riêng.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đình là nơi đi lại, hội họp, hoạt động của cán bộ cách mạng. Dựa vào địa thế của đình nằm sát hồ Tây giữa hai bốt Nhật Tân - Nghi Tàm nên cán bộ đã từ sông Hồng qua Nhật Tân vượt qua bãi cát vào đình, lại men theo hồ Tây vào nội thành hoạt động.
Đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đình được sử dụng làm nơi hội họp, mít tinh giành chính quyền, làm trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến, là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ và là nơi dân quân du kích tập trung tuần tra bảo vệ xóm làng. Ngày 29 tháng 9 năm 1962, Bác Hồ đã về thăm địa phương. Người đã đến thăm đình và ân cần dặn dò nhân dân thi đua lao động, phát động phong trào phòng dịch, giữ gìn vệ sinh xóm thôn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đến thăm đình như: đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Anh…
Đình Quảng Bá có niên đại khởi dựng khá sớm, tồn tại đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Lần trùng tu lớn nhất vào năm Bảo Đại 11 (1936).
Hiện nay quy mô kiến trúc của đình gồm: cổng đình, sân gạch, hai nhà tả hữu mạc, tòa đại đình, hậu cung.
Phía trước đình là hồ Tây, tiếp đến là giếng đình hình vuông. Qua giếng là khu vườn nhỏ đến đường làng, kế đến là cổng đình làm kiểu trụ biểu, trụ kiểu lồng đèn, đỉnh trụ đắp nổi hình chim phượng cách điệu, thân trụ tạo gờ nổi, trên thân ghi câu đối chữ Hán.
Hai cổng nhỏ hai bên làm kiểu vòm cuốn. Sân đình rộng, lát gạch Bát Tràng. Hai nhà tả hữu mạc ở hai bên sân, mỗi dãy sáu gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các vì kèo đỡ mái làm đơn giản kiểu kèo cầu. Hai dãy nhà này sử dụng làm nơi hội họp của các giáp khi làng mở hội.
Tòa đại đình bảy gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp hình hổ phù đội mặt trời, hai đầu kìm đắp nổi văn mây cách điệu thành hình rồng. Phía trước là hai hồi xây hai cột trụ biểu kiểu trụ lồng đèn. Nhà xây trên nền cao hơn mặt sân 45cm.
Bộ khung đỡ mái gồm sáu bộ vì kèo làm kiểu vì “giá chiêng”. Mặt bằng nội thất sáu hàng chân cột gỗ tròn đỡ mái, các cột gỗ đặt trên các chân tảng đá xanh mịn. Nền nhà lát gạch Bát Tràng. Kiến trúc đơn giản, chủ yếu tập trung chạm nổi văn hoa lá trên xà, đấu kê, đầu bẩy, các bức cốn nách được chạm nổi.
Tòa hậu cung năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, giữa bờ nóc đắp bầu rượu và cá hóa rồng. Hậu cung mở hai cửa nhỏ kiểu vòm.
Hiện nay tại Đình Quảng Bá còn lưu giữ bộ sưu tập di vật có giá trị về lịch sử nghệ thuật như: một bản thần phả chữ Hán, 16 đạo sắc phong thần, trong đó sắc có niên đại sớm nhất năm Cảnh Trị thứ sáu (1670) sắc có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ chín (1924).
Một tấm bia đá niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841) ghi sự tích của Thành hoàng, bảy cỗ long ngai, bài vị chạm rồng và hai hương án thờ chạm thủng hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII, một cỗ kiệu bát cống, một kiệu long đình thuộc thế kỷ XIX, bốn bức hoành phi, ba đôi câu đối, sơn son, hai bức võng cửa chạm rồng, một chuông đồng, một chiêng đồng cùng nhiều đồ thờ tự khác như bát hương, chóe sứ men lam, mũ áo hia thờ…
Đình Quảng Bá là nơi phụng thờ người anh hùng dân tộc đã viết lên những trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta ở thế kỷ VIII.
Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo tuy diễn ra trong một thời gian không dài, nhưng ý chí quật cường của thủ lĩnh và nghĩa quân cùng với thắng lợi vẻ vang của cuộc khởi nghĩa đã bồi đắp cho tinh thần dân tộc, mở đầu cho giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ để giành quyền độc lập, tự chủ ở các thế kỷ sau đó.
Đình Quảng Bá được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa ngày 2 tháng 10 năm 1991. Để bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích, từ nhiều năm nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo ngày một khang trang, sạch đẹp để đón du khách từ mọi miền đến tham quan, thưởng ngoạn./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
1.43Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
1.33Km