Giới thiệu
Đình Nhật Tân xưa gọi là Điện Nhật Chiêu, vì trước đây là Điện Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Triều Khải Định mới đổi Nhật Chiêu thành Nhật Tân. Năm 1946, Nhật Tân và Quảng Bá sáp nhập thành xã Quảng Tân. Năm 1955, Nhật Tân lại tách ra thuộc quận V, ngoại thành Hà Nội. Năm 1961, Nhật Tân thuộc huyện Từ Liêm. Năm 1995 thành lập quận Tây Hồ thì xã Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Nhật Tân là vùng đất cổ in đậm dấu vết lịch sử từ thời các vua Hùng dựng nước. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: xưa kia ở đây có 7 cây gạo cổ thụ do bà Lạc Phu vợ Lạc Long Quân trồng để ghi việc bà đã sinh ra một cái bọc có 7 quả trứng rồi hóa thành 7 con rồng bay về trời, 7 cây gạo biến mất từ bao giờ. Nhưng trong bài phú “Tụng Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng sáng tác vào năm cuối cùng của triều đại Tây Sơn (1802) có câu: “chốn bảy cây còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thượng lão” chính là 7 cây gạo ấy.
Nhật Tân đất ít người đông, chủ yếu là đất ngoài bãi, còn trong đồng chỉ có ít nên từ xưa nhân dân ở đây chuyên trồng dâu chăn tằm và trồng hoa đào nổi tiếng. Kỹ thuật trồng hoa đào ở Nhật Tân đạt đến trình độ điêu luyện, không nơi nào theo kịp.
Đình Nhật Tân hiện nay thuộc cụm 1, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đình ở phía Tây bắc Hồ tây, trên đường vào Công viên Nước Hồ Tây. Trước đây đình được xây theo kiểu chữ tam, nhưng nay chỉ còn năm gian tiền tế và năm gian hậu cung xếp theo hình chữ nhị.
Đình Nhật Tân được lập nên để phụng thờ thánh Uy Linh Lang, một nhân vật nặng về huyền thoại hơn là lịch sử. Thần là dòng giống rồng, con Lạc Long Quân. Thần thường hiển hóa ở các miền sông nước để cứu giúp dân Việt thoát khỏi thiên tai đe dọa, làm cho quốc thái dân an. Thần phả phường Nhật Tân, Yên Phụ, các sách “Tây Hồ Chí”, “Thăng Long cổ tích khảo”… ghi chép về thần như một nhân vật lịch sử hệt như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật vậy.
Bản thần tích ký hiệu Aea2/38 lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chép:
Vương vốn là chính phái họ Hồng Bàng, là tông thứ hai của Bách Việt. Xưa Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai sinh ra 100 con trai, rồi chia làm đôi để làm chủ núi sông trông coi muôn dân. Đại Vương là giống Rồng, trưởng Xích Giáp hiệu Uy Linh Lang, cùng với sáu em là Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Hắc Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp và Tử Giáp thụ phong ở đây. Về sau tỏ rõ anh linh làm cho dân mạnh của nhiều, được gia phong. Đến thời Trần Thánh Tông, bà chính cung Minh Đức Hoàng hậu tuổi đã ngoài 30 mà vẫn chưa có con, thường đến các đền cầu tự. Lại thích phong cảnh vực Ngưu, một buổi đi chơi, đang nghỉ trưa thấy một người mặc đẹp như ngọc, môi đỏ như son, đầu vấn khăn, khoác cẩm bào đến bái lạy nói: Tôi là Uy Linh Lang, lâu nay làm vương đất này. Nay thấy thánh giá ngự lâm, ban cho rất hậu, không có gì để báo đáp. Hôm qua tâu lên thiên đình được ban chỉ hạ giáng trần gian. Bỗng nhiên bà tỉnh dậy cảm thấy thụ thai. Vào giờ Tỵ ngày 2 tháng 2 năm Tân Sửu thì sinh ra một cái bọc. Hoàng hậu cho đó là điềm không lành nên bí mật cho người bỏ vào cái thùng đem vứt ra đường. Kẻ qua người lại, thấy lạ kỳ chỉ dám đứng xa mà nhìn, chứ không dám lại gần. Đến khi mặt trời lên cao ba con sào, bỗng nghe tiếng nổ như sấm. Mọi người trong làng đổ ra xem thì chiếc bọc kia đã vỡ, một cậu con trai nằm ngửa trong cái sọt, tiếng khóc nghe như tiếng chuông. Vậy là tiếng đồn ầm ĩ lọt vào cung đình. Hoàng hậu lấy làm lạ sai cung nữ ra xem sao. Cung nữ ngầm ra ngoài xem xét thì thấy cậu bé dáng mạo thanh tú, oai phong lẫm liệt, thông minh đĩnh ngộ, liền vội trở về tâu với vua. Vua cười nói: Xưa Cao Tân có Nguyên phi là Nguyên Khương sinh ra con là Hậu Tắc, sự việc cũng đại loại như thế này. Việc này cũng có gì là lạ. Thế rồi sai người đem về nuôi dưỡng. Năm tháng sau cậu biết nói, đầy một năm sau biết đi. Dáng đi đứng ngồi hệt như người lớn. Vì vậy, Vua và Hoàng hậu rất yêu quý đặt tên là Uy Linh Lang. Đến khi lớn bác học thông minh, tài cao đức trọng, xa gần đều khen. Năm 20 tuổi, ông thích ngao du và nhiều lần dâng biểu xin đi tu. Vua và Hoàng Hậu đều không đồng ý. Ông bèn hóa trang trốn đến Nam Xương tức ấp Vũ Điện nhà Triệu Lăng Khang, thụ giáo pháp. Mới có mấy tháng mà các sách của nhà Phật đều đã hiểu cả. Do vậy, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, cửa lưu tam giáo không có gì không tinh thông. Đặc biệt giỏi kệ từ, sớ thuyết. Sa môn, tăng chúng đều kính phục vì sự cao siêu của ông. Vua và Hoàng hậu biết được rất khen, sai sứ triệu về ban cho ngôi nhà ở ngoại thành phía nam tức điếm Bình Thọ, nay thuộc huyện Yên Thọ, cho lương hàng tháng để dưỡng nhàn.
Hơn 20 năm sau, đến thời Trần Nhân Tông tướng giặc là Toa Đô đem 40 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ tiến vào cướp nước ta. Người trong nước xôn xao lo sợ. Bỗng ông nói: “Người ta sinh ra giữa cõi trời đất thì phải làm bậc anh hùng lỗi lạc, tỏ rõ chí đại trượng phu, phải ở nơi chiến trường khói lửa, chứ lẽ đâu lại ru rú ở nhà sống cho qua ngày đoạn tháng thì hỏi lấy gì lưu trong sử sách để cho hậu thế”. Ông bèn dâng biểu bày tỏ kế sách dẹp giặc, tự xin đem gia binh đi đánh giặc. Vua khen ông có chí lớn và đồng ý. Ông liền tập hợp môn hạ, chiêu tập quân sĩ dưới cờ hơn vạn người, chia ra đội ngũ luyện tập cách đánh trận. Ông gọi đội quân của mình là Thiên tử quân, tiến đánh quân Nguyên ở Bàn Than. Quân giặc thua to, quân ta thừa thắng đuổi chúng lên phía bắc, đánh chúng ở sông Đông Mai, hội quân với quân của Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo ở Vạn Kiếp để đợi lệnh. Quan Thiên tử đánh giặc ở Mạn Trù, nhổ trại giặc ở Đông Kết. Một ngày đánh tám trận thắng cả tám, chém đầu 3 vạn tên giặc, bắt tướng giặc là Ô Mã Nhi… và rất nhiều quân lính. Từ đấy về sau quân Nguyên không dám đem quân sang xâm lược nữa, đất nước trở lại thanh bình. Sau xét công dẹp giặc gia phong là Dâm Đàm Đại Vương (Đại Vương Hồ Tây).
Lúc đó ông 36 tuổi, vào giờ Ngọ ngày 8 tháng 8 năm Bính Tý ông không bệnh mà qua đời. Vua và Hoàng Hậu thương xót lắm, lập tức xây ngôi đền ở chỗ ông qua đời để thờ gọi là Điện Nhật Chiêu, hay còn gọi là Linh Bảo Điện, hoặc Đền Thánh Uy Linh Lang, sắc phong là Hiển Minh Đức.
Đến thời Trần Nghệ Tông, ông lại ngầm giúp khúc đê Yên Hoa khỏi vỡ nên gia phong mỹ tự là Dực Chính Hiển ứng Phu hữu Đại Vương. Sáu người em cũng được phong Bạch Giáp là Chu Ma Đại Vương, Hoàng Giáp là Minh Khiết Đại Vương, Hắc Giáp phong là Hoằng Liệt Đại vương, Thanh Giáp là Đông Nga Đại Vương, Chu Giáp là Phương Ba Đại Vương, Tử Giáp là Đông Đầu Đại Vương, cùng được phụng thờ. Đến nay linh thiêng càng tỏ rõ, các triều đều có phong tặng. Đền của Đại Vương ở huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Quảng Đức đổi lại là huyện Vĩnh Thuận, phường Yên Hoa, sau đổi là phường Yên Phụ. Xứ Thị Liên trại Thủ Lệ cũng có đền phụng thờ. Lưu Phái, Thanh Trì cũng có đền phụng thờ.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, tồn tại đến ngày nay đình Nhật Tân còn lưu giữ được khối lượng di vật quý hiếm mang gia trị cao, gồm:
Đồ đồng: Một bộ bát bửu 10 chiếc, hai cây đèn, hai cây nến, sáu đài nước…
Đồ đá: Năm tấm bia đá màu xanh hạt mịn, trong đó một tấm bia có niên đại cổ nhất Cảnh Trị vạn vạn niên, hai tấm có niên đại Bảo Đại ngũ niên và một tấm niên hiệu Minh Mệnh.
Nét độc đáo và mang giá trị quý hiếm, so với các ngôi đình khác trong vùng. Về sự tích thần hoàng làng thường chỉ được ghi chép lại trong cuốn Ngọc phả bằng giấy. Nhưng tại đình Nhật Tân về sự tích vị thần hoàng Uy Linh Lang đại vương đã được các nghệ nhân xưa khắc trên tấm bia đá niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 5 (1825).
Đồ gỗ: 8 cỗ long ngai bài vị sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngai được trang trí chạm khắc hình rồng.
Đồ giấy: 36 đạo sắc phong của các triều vua từ Lê Dụ Tông (Vĩnh Thịnh ngũ niên 1709) đến Nguyễn Bảo Đại (1924) phong thần cho Uy Linh Lang đại vương và sáu người em.
Không chỉ xưa kia mà những năm gần đây, Đình Nhật Tân còn ghi đậm dấu ấn hào hùng của dân tộc.
Tháng 12 - 1946, Đình Nhật Tân là nơi thành lập đội quyết tử quân quận Lãng Bạc.
Kể từ năm 1946, Liên khu I lấy Đình Nhật Tân là trạm vận chuyển quân lương cho các chiến sĩ ở Việt Bắc, Tây Bắc.
Ngày 8 tháng 5 năm 1960, Hồ Chủ Tịch đã về Đình Nhật Tân đôn đốc việc bầu cử và kiểm tra hòm phiếu bầu tại đình.
Từ xa xưa ngôi đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương, nơi giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần, nơi giáo dục những truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ kế tiếp sau và tôn thêm vẻ đẹp của quê hương trong không gian của cuộc sống mới hiện đại.
Đình Nhật Tân đã được nhà nước công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa ngày 25 tháng 1 năm 1994./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
0.53Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
1.68Km