Giới thiệu
Chùa Vạn Bảo được xây dựng trên đất của châu Vạn Bảo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, nay thuộc làng Vạn Bảo, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, nên gọi là Chùa Vạn Ngọc. Xưa chùa có tên là Linh Sơn. Thời Lê (1725), chùa có tên là Linh Am tự sau đổi Vạn Bảo. Vạn Ngọc là tên thường gọi theo địa danh của thôn. Hiện nay trong chùa còn lưu giữ bức đại tự ghi: “Kim Quang Tự”. Như vậy, từ khi khởi dựng đến nay chùa có tên gọi: Linh Sơn tự, Linh Am tự, Vạn Bảo tự, Kim Quang tự.
Chùa Vạn Ngọc cũng như những ngôi chùa khác ở nước ta được xây dựng từ rất sớm để thờ Phật.
Đặc biệt hơn, chùa còn là cơ sở cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Vào những năm 1942 - 1943, chùa là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của liên xã gồm ba xã Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân.
Thời kỳ toàn quốc kháng chiến tháng 12 - 1946, Chùa Vạn Ngọc được chọn làm điểm chung chuyển đón tiếp thương binh sau những trận chiến đấu ác liệt từ nội thành khu A, rồi sau đó chuyển về hậu cứ. Đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946 có thương binh hy sinh vì vết thương quá nặng được chôn cất ở chùa. Tính đến ngày mùng 4 tết năm 1947 số chiến sĩ qua đời tại đây đã lên tới 40 người.
Cùng thời gian này chùa còn là địa điểm chỉ đạo hoạt động của công an huyện Trấn Tây (sau đổi là công an quận V), năm 1958 đổi là công an huyện Từ Liêm.
Chùa Vạn Ngọc nằm ở ven đê sông Hồng, nhìn về hướng tây nam. Các công trình kiến trúc hiện còn của chùa gồm cổng tam quan (xây năm 1992), chùa chính kết cấu kiểu chữ đinh, nhà thờ tổ (xây năm 2000), nhà thờ mẫu (xây năm 2006).
Cổng tam quan là một kiến trúc mới được xây dựng năm 1992. Cổng được xây bằng gạch có mái chồng diêm, lợp giả ngói ống, bờ nóc mái thượng trang trí hình rồng chầu mặt trời. Các đầu đao đắp hình hồi long. Trên đắp nổi ba chữ Hán “Vạn Ngọc tự”. Hai cổng nhỏ hai bên làm kiểu vòm cuốn, phía trên có mái lợp giả ngói ống.
Tòa tiền đường xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, phía hai hồi xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn. Các cột đều đặt trên các chân tảng đá xanh hạt mịn mặt trên tròn, phần dưới vuông. Nhà xây trên nền cao hơn sân 1,15m.
Tòa thượng điện xây nối liền với tiền đường. Nhà xây chạy dọc về phía sau, gồm ba gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Mặt bằng nội thất bốn hàng chân cột quân đã thay bằng tường gạch bao quanh, các cột cái bằng gỗ tròn kiểu “thượng thu hạ thách”, đặt trên các chân tảng đá tròn. Bộ khung đỡ mái có bốn bộ vì kèo tạo kiểu “chống rường giá chiêng”. Nền nhà lát gạch vuông.
Nhà thờ tổ, thờ mẫu ở phía sau bên trái thượng điện gồm năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung đỡ mái có sáu bộ vì kèo làm kiểu kèo cầu quá giang, nền nhà lát gạch hoa.
Tháp mộ của chùa cao ba tầng hình vuông. Trên nóc đắp hình búp sen bằng vữa, bố cục các tầng ở mỗi mặt đều trang trí theo ô. Tháp thu nhỏ dần từ dưới lên trên theo các ô dật cấp, tạo nên một hình tháp hài hòa ẩn hiện trong các vòm lá cây quanh năm xanh tốt.
Tòa tam bảo của chùa được bài trí các lớp tượng theo đúng quy định. Tại tòa tiền đường, sát tường hồi bên phải phía trong là tượng Đức ông, phía ngoài là tượng hộ pháp khuyến thiện. Đối diện bên trái phía ngoài là tượng hộ pháp trừng ác, phía trong là tượng thánh tăng.
Phật điện gồm có các lớp tượng:
Lớp thứ nhất: Tam Thế Tôn - Phật quá khứ, hiện tại và vị lại.
Lớp thứ hai: A Di Đà, ở giữa là tượng A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí.
Lớp thứ ba: Thế Tôn – Văn thù phả hiền, hai bên là tượng Phạm Thiên, Đế Thích.
Lớp thứ tư: Vua cha Ngọc Hoàng
Lớp thứ năm: Tòa cửu long và Phật Thích Ca sơ sinh hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, hai pho Quan âm Thị Kính, Quan âm Tống Tử.
Trong số pho tượng của chùa hiện còn có bộ tượng A Di Đà là những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Tượng A Di Đà ngồi thiền trên tòa sen ba lớp cánh, tượng cao 1,35m, bệ sen cao 28cm. Tượng thể hiện tóc nổi hình xoắn ốc, tai to chảy dài ngang cằm, thành quách rõ ràng, khuôn mặt hơi tròn, phúc hậu, lông mày cong, mắt nhìn xuống, mũi dọc dừa, nhân trung lộ rõ, môi dày có ngấn. Tượng mặc áo cà sa thể hiện hai lớp vắt qua hai vai, ngực để hở. Hai vạt áo thắt lại trước bụng, rơi xuống lòng đùi. Ngực tượng nhô cao, bụng thót lại, giữa ngực nổi rõ hình chữ Vạn, dưới chữ Vạn có ghép hình lá sen, lòng bàn tay ngửa, chụm hai đầu ngón cái với nhau đặt trên lòng đùi trong tư thế thiền định. Tượng ngồi hai chân xếp bằng tròn. Chân phải đặt lên chân trái để lộ ngón chân cái. Bệ sen có ba lớp cánh, cánh sen mập, mũi nhọn, thân cánh sen tròn. Pho tượng A Di Đà cùng hai pho Quan Âm - Thế Chí là những pho tượng cổ nhất, đẹp nhất ở chùa. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Chùa Vạn Ngọc là nơi thờ Phật, có giá trị chủ yếu về mặt nghệ thuật. Trải qua những biến động đổi thay trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hiện nay tại chùa còn gìn giữ được bộ sưu tập di vật có giá trị nghệ thuật cao của thế kỷ XVII, XVIII, XIX như: 20 pho tượng tròn được phủ sơn son thiếp vàng lộng lẫy, một quả chuông Vạn Bảo tự chung đúc năm Gia Long thứ 13 (1814), chuông cao 1,23m, đường kính rộng 62cm, quai chuông trang trí hình rồng, bốn chữ tên chuông khắc trong hình lá đề, chuông có bốn chữ núm. Thân chuông trang trí hoa văn hình học. Di vật bằng đá cần được quan tâm là cây hương “Kính Thiên” dựng năm Vĩnh Khánh ba (1731), cây hương có mặt cắt ngang hình vuông cao 1,6m, rộng 20cm. Trên cùng là bát hương đá, dưới riềm trang trí hình hoa văn lá sói, bốn mặt đều khắc chữ, riềm bên trang trí hoa văn thực vật, riềm trên trạm hình cánh sen. Năm tấm bia đá, trong đó một bia “Nguyễn lệnh công lưu trạch bi”, bia cao 1,02m, rộng 62cm. Một mặt riềm trên trán bia trang trí mặt nguyệt, hoa văn mây xoắn. Trán bia trang trí lưỡng long chầu nguyệt.
Rồng có sừng, trán có bờm, mũi sư tử, miệng ngậm ngọc, chân ba móng, đuôi chụm nhỏ dần. Hai riềm bên trang trí chạm nổi hoa văn thực vật. Bia khắc năm Bảo Thái thứ sáu đời Lê Trung Hưng (1725). Một tấm bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) ghi việc hậu Phật, ba tấm bia còn lại có niên đại triều Nguyễn.
Đồ gỗ hiện còn một bức cửa võng sơn son thiếp vàng, bốn bức đại tự, hai đôi câu đối, hai hương án thờ sơn son (làm năm 1997). Nội dung câu đối ca ngợi cảnh đẹp của chùa và ghi nhớ công ơn những người đã trồng quả phúc trước cửa thiền.
Ngoài các di vật tiêu biểu nêu trên, chùa còn lưu giữ nhiều di vật, đồ thờ tự khác như bộ tam sự, bát hương sứ, cây đèn…
Chùa Vạn Ngọc cũng như nhiều ngôi chùa khác quanh vùng được tạo dựng khá sớm để thờ Phật, thờ mẫu. Với chức năng đó, chùa là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư.
Qua nội dung những bài văn bia hiện còn tại chùa cho thấy Hà Nội có thêm một ngôi chùa có dấu ấn của phái thiền Trúc Lâm. Qua các di vật của chùa, nếu đi sâu nghiên cứu, có thể giúp ta hiểu thêm về tông phái Phật giáo ở Việt Nam. Chùa Vạn Ngọc với cây hương “Kính Thiên” niên hiệu Vĩnh Khánh thứ ba (1731) bài thơ vẫn còn khắc rõ:
Huyền nữ lưu vết
Bước theo gót Phật
Cung kính khắc đá
Đặt ở trước sân
Cột đá vuông tròn
Tượng trưng trời đất
Sừng sững non cao.
Với những giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật như đã nêu trên, Chùa Vạn Ngọc đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia ngày 28 tháng 9 năm 1990./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
2.16Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
2.14Km