Giới thiệu
Đình Yên Phụ hiện nay thuộc làng Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê là phường Yên Hoa, huyện Quảng Đức. Thời Thiệu Trị (1841 - 1847) vì kiêng tên húy bà Hồ Thị Hoa, thân mẫu vua Thiệu Trị nên Yên Hoa đổi là Yên Phụ.
Đình Yên Phụ thờ ba vị Thành hoàng, vốn là ba anh em: Uy Linh Lang Đại Vương, Vương Duy Đại Vương, Vương Ba Đại Vương.
Cuốn thần phả hiện lưu giữ tại đình và sách Tây Hồ chí cho biết lịch sử của thần như sau:
Đại Vương vốn là chính phái họ Hồng Bàng, là tông thứ hai của Bách Việt. Đại Vương là giống Rồng trưởng của Xích Giáp, hiệu là “Uy Linh Lang” có sáu người em là: Bạch Giáp, Thanh Giáp, Hoàng Giáp, Hắc Giáp, Chu Giáp, và Tử Giáp đều có tiếng anh linh, thường được phong tặng.
Đến thời Trần Thánh Tông, bà Chính cung là Minh Đức Hoàng hậu tuổi đã ngoài 30 mà vẫn chưa có con. Bà thường ngao du những danh lam thắng cảnh ở hồ Tây như vực Trâu Vàng… dốc lòng cầu trời phật. Một hôm bà đang ngủ trưa, mơ thấy một người mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son, đầu vấn khăn, khoác áo cẩm bào đến bái lạy nói: “Tôi là Uy Linh Lang, lâu nay làm Vương đất này. Nay thấy thánh giá ngự lâm ban cho rất hậu không có gì để báo đáp. Hôm qua tâu lên Thiên đình được ban chỉ hạ giáng trần gian”.
Bỗng nhiên bà tỉnh dậy, đem việc tâu lên vua. Sau đó bà có thai, mang thai 14 tháng, vào giờ Tỵ ngày 2 tháng 2 năm Tân Sửu, sinh ra một cái bọc. Bà cho là điềm không lành, nên sai người đặt vào cái thúng đem bỏ ở nơi cầu tự - chỗ có bảy cây gạo thuộc về địa phận làng Nhật Chiêu. Đêm đến, trong làng ai cũng nghe thấy ngoài bãi cỏ tiếng trẻ khóc, tiếng khóc vang như tiếng chuông, rền như sấm động. Một số người mạnh dạn đốt đuốc luồn ra phía sau bãi, từ xa đã nhìn thấy ở chỗ gốc bảy cây gạo như có ai đang thổi lên một đống lửa sáng rực. Khi mọi người đến nơi, thì ra không phải lửa mà là cái thúng đang tỏa sáng. Tiếng khóc cũng từ cái thúng vọng ra, trong thúng có một bé trai đỏ hỏn. Tiếng đồn lọt vào cung đình, nhà vua và Hoàng hậu liền sai cung nữ đi dò xét. Cung nữ thấy cậu bé dáng mạo thanh tú, liền bế về cung. Vua và Hoàng hậu rất vui, đặt tên là Uy Lang.
Uy Lang được chăm sóc chu đáo, hay ăn chóng lớn. Đến tuổi đi học cậu tỏ ra rất thông minh, đọc một hiểu mười. Tới tuổi 18 chàng ham mê đạo Phật, bèn xin phép vua cha cho xuất gia, nhưng không được chấp thuận. Uy Lang bèn thay áo giả là thường dân trốn đi tìm thày học đạo. Mới học được vài tháng mà những kinh sách nhà Phật đã hiểu cả, tiếng tăm vang dội khắp nước. Vua cha triệu về kinh, cho ở trại Bình Thọ (Yên Hoa), hàng tháng cấp lương bổng để tĩnh tâm tu luyện.
Khi Uy Lang được 20 tuổi, quân Nguyên ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta lần thứ ba. Người người đều thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Trước tình thế đó, Uy Lang nói: “Làm trai sinh ra giữa trời đất, nếu không dẹp giặc giúp đời thì sao có tên lưu sử sách?”. Chàng viết một bài biểu dâng lên vua xin được cử binh đi đánh giặc. Nhà vua chuẩn y.
Uy Lang dựng cờ chiêu mộ binh sĩ, chỉ có vài ngày mà quân ứng mộ lên tới hàng vạn người. Uy Lang tự đứng ra luyện tập quân sĩ, đội ngũ chỉnh tề, binh pháp thành thục, tự xưng là: “Thiên tử quân”, tiến đánh quân Nguyên ở Bàn Than. Quân giặc thua to, quân ta thừa thắng đuổi chúng lên phía Bắc, đánh chúng ở sông Đông Mai, hội với quân của Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo ở Vạn Kiếp, đánh ở Mạn Trù, Đông Kết… Một ngày đánh tám trận, thắng cả tám, chém đầu ba vạn quân giặc, bắt sống tướng giặc là Ô Mã Nhi và rất nhiều quân lính. Từ đấy về sau quân Nguyên không dám đem quân sang xâm lược nước ta. Đất nước thái bình thịnh trị.
Do có công lao to lớn trong việc đánh giặc, nên Uy Lang được vua phong là Dâm Đàm Đại Vương. Đại Vương không màng chức tước nên lại đến tu thiền ở chùa Ngọc Hồ.
Giờ Ngọ ngày 8 tháng 8 năm Bính Tý, Đại Vương không bệnh mà hóa.
Vua cho xây đền thờ Đại Vương ở Nhật Chiêu và các nơi khác như Yên Hoa (Yên Phụ)…
Từ đấy về sau Đại Vương luôn hiển hóa giúp dân, giúp nước.
Thời Trần Nghệ Tông, ngầm giúp đê Yên Hoa không bị vỡ, nên nhà vua ban cấp 30 quan tiền để dùng vào việc hương hỏa và gia phong là “Uy Linh Lang Hiển ứng phù hựu Đại Vương”…
Đình Yên Phụ hiện nay tọa lạc trên một khu đất rộng cao ráo ở trung tâm làng Yên Phụ. Đây là ngôi đình có quy mô kiến trúc vào loại khá độc đáo, quý hiếm của Hà Nội. Đình làm theo lối nhà dọc, quay hướng bắc. Phía bắc trước đình, có một cái ao nhỏ, phía sau là hồ Tây. Các công trình kiến trúc của đình trải dài theo thế đất tạo nên chiều sâu cần thiết và vẻ thâm nghiêm, tao nhã của một di tích tôn giáo truyền thống. Đình Yên Phụ nằm sát hồ Tây tạo không gian thoáng mát, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Từ ngoài vào, đình Yên Phụ bao gồm các công trình kiến trúc:
Ngoài cùng sát với ao đình là cổng đình, được xây dựng đơn giản theo kiểu tứ trụ. Qua cổng là sân đình khá rộng, được đặt các chậu hoa, cây cảnh.
Hai bên là hai dãy dải vũ, tiếp đến là đại đình. Đình Yên Phụ có kiến trúc độc đáo, xây kiểu chữ đinh, năm gian đại đình và ba gian hậu cung. Đình thờ dọc, cửa đình hiện mở ở hồi hướng bắc theo kiểu bức bàn. Mái đình được lợp ngói mũi hài, các góc đao uốn cong quay chầu về nóc mái. Chính giữa bờ nóc mái đắp nổi hình hai con rồng chầu mặt trời, bên cạnh là đôi phượng xòe cánh (biểu hiện long phượng trình tường). Hai đầu bờ nóc, đắp nổi hình hai con nghê.
Đình được làm bằng gỗ lim, cột bào trơn, kê trên các chân tảng đá xanh. Nghệ thuật chạm khắc, trang trí gồm những mảng chạm với những đề tài phong phú, độc đáo. Các đầu bẩy chạm nổi đề tài rồng mây, tứ linh. Các đầu dư chạm hình đầu rồng, miệng há to ngậm viên ngọc tròn, mắt rồng lồi to, mũi nở, tóc và bờm bay ngược về phía sau. Các bức cốn, chạm nổi đề tài tứ linh, tứ quý, rồng cuốn thủy và các hình hoa lá mây cách điệu… Nhìn chung nghệ thuật chạm khắc ở đây khá tinh xảo, đường nét chạm sâu đậm, các đề tài được thể hiện sống động, mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII.
Hậu cung được làm nối liền với đại đình, tạo thành hình chữ đinh, gồm ba gian thoáng mát. Chính giữa hậu cung là khám thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Trong đó đặt ba bộ long ngai bài vị, mũ áo của ba vị thành hoàng, phía trước đặt các đồ thờ tự.
Đình Yên Phụ không chỉ là một công trình nghệ thuật có kiến trúc độc đáo của Thủ đô mà còn là nơi giáo dục truyền thống và tinh thần yêu nước. Đình Yên Phụ thâm u, bền vững, nằm bên hồ Tây, chắc chắn sẽ là nơi linh thiêng, gìn giữ nét văn hoá nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Đình được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 27/01/1986./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
3.52Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
3.04Km