cụm 4 phường Quảng An, quận Tây Hồ
Giới thiệu
Đình Nghi Tàm hiện nay thuộc cụm 4 phường Quảng An, quận Tây Hồ, phía trước là khách sạn Thắng Lợi, bên phải là thắng cảnh hồ Tây, phong thủy linh thiêng có cảnh quan tươi đẹp.
Nghi Tàm là vùng đất cổ có lịch sử tồn tại từ rất lâu đời, trước đây là trại Tàm tang từ thời Lý, vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) đã lập cung Từ Hoa để cho công chúa Từ Hoa ra đây dạy cung nữ nghề tàm tang. Thời Trần (1275 - 1400) trại tàm tang thuộc phường Tích Ma, đến Thời Lê đổi là Nghi Tàm - một trong những phường nổi tiếng của Thăng Long với nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa, trồng hoa tươi, cây cảnh, chim cảnh làm đẹp cho đời. Nghi Tàm nằm bên hồ Tây có cảnh đẹp nên thơ, chúa Trịnh Giang (1729 - 1740) đã say đắm cảnh đẹp của Nghi Tàm cho xây hành cung và bến tắm bên bờ trúc vàng Nghi Tàm - một trong tám cảnh đẹp của hồ Tây thủa ấy. Nghi Tàm còn có chùa Kim Liên nổi tiếng như một bông sen vàng nở trên mặt nước hồ Tây thơ mộng. Đây còn là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan - một nữ thi sĩ ở đầu thế kỷ thứ 19 với nhiều bài thơ đường luật nổi tiếng: Qua Đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, chùa Trấn Bắc….
Nghi Tàm có lịch sử lập làng và nền văn hóa truyền thống lâu đời. Tại đây còn giữ được nhiều các di tích lịch sử ghi lại tiến trình phát triển của lịch sử làng xã và những sinh hoạt văn hóa tinh thần của địa phương. Đình Nghi Tàm chính là điểm sáng văn hóa và là nơi gửi gắm niềm tin và ước vọng của nhân dân trong vùng. Ngôi đình được xây dựng để thờ các vị thành hoàng làng nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Theo Thần tích và cách bài trí trong đình Nghi Tàm thờ sáu vị thần:
1. Đương cảnh thành hoàng Minh Khiết đại vương.
2. Đương cảnh thành hoàng Bảo Trung đại vương.
3. Đương cảnh thành hoàng Triều Đình đại vương.
4. Tây Hồ Thủy Thần chi thần.
5. Lỗ Quốc Thái Sư thần.
6. Quỳnh Hoa Đoan Trang Công chúa.
Căn cứ theo thần tích, sắc phong còn giữ trong đình thì ba vị thần: Minh Khiết Dực Thánh, Triều Đình Phù Quốc, Bảo Trung Cương Đoán đều là các thủy thần hồ Tây. Thần tích ghi rõ: Vào thời Lý Thái Tông, nhà vua thường hay xa giá ra chơi săn bắn ở hồ Dâm Đàm. Một hôm gặp mưa to gió lớn, nhà vua phải vào trú tạm ở ngôi miếu cổ trong bản thôn (đình Nghi Tàm ngày nay). Thấy vậy các cụ phụ lão cùng nhân dân trong thôn liền đem thức ăn, đặc sản đến dâng tiến vua. Thấy cảnh ngôi đền hư hỏng, đổ nát nhà vua vời các hương lão đến để hỏi thăm sự thể, sau đó ban cho tiền của để tu sửa.
Sau khi nhà vua mất, cảm động trước công đức của người, dân thôn hàng năm tứ thời bát tiết đều dâng lễ tưởng niệm ngài. Vài năm sau nhân dân làm lễ kỳ yên, vị trưởng lão đêm ấy nằm mơ thấy nhà vua ngự giá đến chỉ bảo rõ ràng: Ba vị thần danh hiệu là thủy thần hồ Tây từ đó nhân dân vẫn phụng thờ, cầu đảo hết thảy đều linh ứng. Trải qua các triều đại các vị thần đều được phong là: “Thượng Đẳng tối linh thần”.
Vị thần thứ tư được thờ trong đình là Hoàng Hiệp Tây Hồ thủy thần chi thần cũng là thủy thần hồ Tây. Tuy nhiên theo sắc phong thì vị Thần này đến giữa thế kỷ 19 mới được đưa vào thờ trong đình Nghi Tàm. Sắc phong sớm nhất là sắc có niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) còn ba vị thần Triều Đình, Minh Khiết và Bảo Trung thì đã được thờ ở đó rất lâu. Theo truyền tụng thì sự tích và công tích của vị thần này cũng giống như ba vị trên.
Vị thần thứ năm được thờ trong đình là Lỗ Quốc Thái Sư. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết: ngài thuộc họ Sỹ, người nước Lỗ, gia thế theo nghiệp nho. Ngài rời Bắc Quốc sang nước nam vào thời nhà Hán, đời vua Bình Đế. Ngài đến ấp này làm nhà cư trú và dạy học ở đây, ngài truyền dạy, rèn rũa được nhiều sĩ tử giỏi giang. Đến khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, ngài về Bắc Quốc, dân bản ấp tưởng nhớ công đức bèn dựng đền tại nơi trường dạy học của ngài để thờ phụng.
Từ đó về sau nơi này càng trở nên hiển ứng, các triều đại đều tôn sùng bao phong ngài là “Lỗ Quốc Thái Sư” và được thờ phụng cùng các vị đại vương trong bản phường.
Vị thần thứ sáu được thờ trong đình là Quỳnh Hoa Đoan Trang công chúa. Theo thần tích thì vào đời vua Lê Thánh Tông, ở tỉnh Hà Nam có vị quan là Trần Vĩ, sau khi nghỉ hưu về nhà riêng mở trường dạy học ở làng Nghi Tàm thuộc kinh đô Thăng Long. Ông bà hay làm điều thiện và đi lễ chùa để cầu phúc lành, đã quá 50 tuổi nhưng chưa có con. Một hôm đẹp trời ông dạy học xong ngồi hóng gió bên hồ Tây, trong lúc đang thiu thiu ngủ ông thấy mình lạc vào cõi nhà trời, có người đưa vào xem cảnh triều đình của Thượng Đế. Hôm đó trời đang muốn cho người đầu thai xuống hạ giới, một vị quan thưa rằng: hạ giới đã có Liễu Hạnh nhưng nàng ở cõi ngoài, kinh đô còn thiếu một người. Ngọc Hoàng liền ưng chuẩn cho công chúa Quỳnh Hoa được đầu thai vào nhà Trần Vĩ và giao công chúa cho ông. Quả nhiên ít lâu sau bà Trần sinh hạ được một người con gái, Trần Vĩ thấy con mình giống như nàng tiên trong giấc mộng bèn đặt tên con là Quỳnh Hoa. Lớn lên, Quỳnh Hoa nhan sắc lẫy lừng, ông bà Trần gả nàng cho Liễu Nghị - con một người bạn thân. Liễu Nghị học rất giỏi thi đỗ tiến sĩ, được làm quan coi phủ Hà Trung (Thanh Hóa). Khi ấy giặc Chiêm Thành vào Thăng Long, Liễu Nghị được cử vào quân đội. Quỳnh Hoa cũng cải dạng nam trang thành viên tướng trẻ đem binh sĩ và gia nhân tiếp ứng cho chồng. Khải hoàn trở về, Liễu Nghị được vua phong làm Đô đài Ngự sử, cả gia đình về Thăng Long ở.
Khi Liễu Nghị mất, Quỳnh Hoa xin nhà vua cho về ở Nghi Tàm, ngoài thơ văn, cung kiếm bà là người thông thạo việc trồng dâu nuôi tằm, bà đã vỗ về dân chúng và phổ biến nghề tằm tang cho mọi người, toàn dân trong vùng biết nghề là nhờ bà. Về sau bà trở thành vị thành hoàng của làng, được tôn là bà chúa tằm và có tới 60 làng thờ phụng.
Hiện nay ở đình Nghi Tàm còn bảo lưu được lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của địa phương. Hàng năm dân làng tổ chức hội làng vào ngày mồng 10 tháng 2, ngày chính hội dân làng rước 6 kiệu ra chùa Kim Liên rồi lại trở về đình. Trong hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian: cờ bỏi, tổ tôm, thi hoa cây cảnh, chọi gà.
Đình Nghi Tàm hiện nay nằm trên một doi đất sát hồ Tây, phía trước là khách sạn Thắng Lợi. Theo các cụ cao tuổi trong ban di tích cho biết trước đây đình có không gian và quy mô kiến trúc khá đẹp gồm năm gian tiền tế và ba gian hậu cung, có tả hữu mạc hai bên, tất cả đều được làm bằng gỗ lim to người ôm không xuể, các cột hiên và bậc thềm đều được làm bằng đá xanh to, đẹp, chắc khỏe. Đình Nghi Tàm gồm năm gian đại đình và ba gian hậu cung.
Đại đình là trung tâm của di tích được xây dựng trên nền cao khoảng 40cm so với mặt sân. Toàn đại đình gồm năm gian hai chái, mái được lợp ngói tạo hai lớp: ngói dải và ngói lợp. Kết cấu mái làm theo kiểu tàu đao lá mái, kết cấu tòa đại đình gồm 06 bộ vì được làm kiểu giá chiêng chồng rường, tiền kẻ hậu bẩy với 06 hàng chân cột được đặt trên hệ thống các chân tảng đá có đường kính từ 47cm đến 54cm. Các trang trí trên bộ vì chủ yếu tập trung ở các bức cốn nách, đầu dư và trên các con rường cụt đề tài thể hiện chủ yếu là hình ảnh rồng, tứ linh, tứ quý.
Hậu cung của đình được nối gian giữa của đại đình về phía sau tạo thành kết cấu hình chữ đinh, kiến trúc đơn giản chủ yếu là bào trơn không trang trí. Ở vị trí trung tâm của hậu cung đặt khám thờ, bên trong có long ngai bài vị của thành hoàng làng, phía trước ngai đặt các đồ tế tự: mũ, hia, quần áo của thần. Bộ ngai ở đây có sự khác biệt: hai con rồng ở thân ngai được làm quay mặt vào nhau theo dạng cánh cung. Trước ngai đặt các đồ thờ tự như bát hương thời hậu Lê có trang trí hình tượng hoa cúc dây, lá lật lượn sang, hai pho tượng phỗng hầu nhỏ có kích thước cao khoảng 40cm: mình cởi trần, đóng khố, tai trái cầm binh khí giơ cao.
Đặc biệt trong đình Nghi Tàm còn lưu giữ được hệ thống di vật đa dạng, phong phú về thể loại và chất liệu như: Bia đá, thần tích, sắc phong, chuông đồng, ngai thờ, cửa võng, hoành phi, câu đối mang giá trị thẩm mỹ cao. Trong số đó đáng chú ý 32 đạo sắc phong (bản gốc) cho các vị thành hoàng làng được trải dài từ thời Lê Tây Sơn. Có lẽ trong các di tích của Hà Nội ít có di tích nào còn lưu giữ được khối lượng sắc phong đồ sộ như đình Nghi Tàm; các di vật này là nguồn tư liệu thành văn vô cùng quý giá góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu về lai lịch của các vị thần trong hệ thống thần điện của người Việt cũng như quá trình phát triển của đình làng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của dân tộc.
Bên cạnh đó đình Nghi Tàm còn bảo lưu được năm tấm bia đá trong đó có bốn tấm bia bốn mặt thời Lê được tạo tác một cách khéo léo công phu đã mang nghệ thuật tạo tác văn bia ở đây lên đến đỉnh cao được thể hiện qua các hình hoa dây, hình sin, lá đề, sóng nước, hoa cúc, rồng chầu, hình cá chép… đã được người nghệ nhân xưa chạm khắc một cách tinh tế, chau chuốt và vô cùng sống động với các nét chạm mạnh, dứt khoát và phóng khoáng mang tính nghệ thuật cao. Các di vật gỗ của đình cũng vô cùng phong phú thể hiện trên bức võng cửa võng, ngai thờ, kiệu gỗ, hương án, hoành phi, câu đối… được chạm thủng, chạm lộng, chạm bong với nhiều đề tài trang trí truyền thống sinh động như rồng, phượng, hoa lá… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Ngoài những giá trị về mặt lịch sử khoa học nghệ thuật, đình Nghi Tàm còn là địa điểm quần tụ sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân làng xã. Điều này thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, đồng thời giáo dục cho con người lòng yêu quê hương, đất nước tinh thần giúp đỡ tương thân, tương ái trong cuộc sống thường ngày.
Đình đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 1189/QĐ-UB ngày 07/02/2002./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh