52 phố Đặng Thai Mai,phường Quảng An,quận Tây Hồ, Hà Nội
Giới thiệu
Phủ Tây Hồ nằm ven hồ Tây, đời Hán hồ có tên là Lãng Bạc, đời Trần gọi là Dâm Đàm (còn có tên gọi là hồ mù sương), đến triều Lê vì kiêng tên húy của nhà vua nên đổi thành Tây Hồ, tục gọi là hồ Tây, phủ xây bên hồ nên dân gian đặt tên là phủ Tây Hồ.
Phủ Tây Hồ tọa lạc trên doi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục. Đất này thuộc thôn Bảo Khánh, ấp Tây Hồ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức nay thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nếu hồ Tây là đất thiêng liêng của Thăng Long thì ấp Tây Hồ là đất thiêng của hồ Tây.
Tây Hồ vốn nổi tiếng từ các đời Lý, Trần, Lê và Nguyễn với Hồ Tây bát cảnh. Ở đây có các nghề thủ công cổ truyền như nghề tằm tang, xe chỉ, nhuộm thâm và trồng cây cảnh. Tây Hồ còn là nơi ghi lại nhiều dấu tích lịch sử. Chùa Phổ Linh (chùa Tây Hồ) có tấm bia đá tạo từ năm 1622, ghi rõ rằng chùa có từ thời nhà Lý (Lý Nhân Tông - 1097), trong chùa còn có chuông đúc năm 1801, có xóm Cung vốn là nơi vua Lê thường ra đứng xem cá. Trương tuyền Tây Hồ là quê hương của Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi đã gặp bà ở đây.
Nổi tiếng hơn cả ở Tây Hồ là cuộc tạo ngộ giữa Phùng Khắc Khoan (1528 - 1631) và hai bạn của ông với Liễu Hạnh công chúa. Để ghi dấu cuộc tao ngộ ly kỳ đó và cũng để ghi nhớ những tài danh của đất nước, nhân dân đã dựng lên phủ Tây Hồ.
Hiện nay còn rất nhiều văn bia, hoành phi, câu đối, sắc phong, thần, phả ở di tích cho biết: phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Liễu Hạnh công chúa. Truyền thuyết về bà được ghi chép rất nhiều trong sử sách, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nên rất nhiều nơi dựng đền thờ bà. Sách “Trích văn lục” và một số bản thần tích cho biết: Công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tính tình ngang bướng, phóng túng, không chịu theo khuôn phép nhà trời. Vì đánh vỡ chén ngọc, nàng bị vua cha giáng xuống trần, đầu thai vào nhà Lê Thái Công ở làng Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định mang tên là Giáng Tiên.
Lớn lên Giáng Tiên làm con nuôi một vị Hữu quan họ Trần, được học hành đầy đủ nên có tài văn chương, đàn sáo. Năm 16 tuổi, nàng lấy chồng là Đào Lang - con vị Hữu quan ở làng. Vợ chồng ăn ở với nhau được 5 năm thì hết hạn đầy, bỗng nhiên không bệnh mà hóa, để lại cho chồng hai đứa con một trai, một gái. “Lòng trần chưa dứt”, công chúa lại được cha là Ngọc Hoàng cho xuống trần. Lần này với phép biến hóa huyền diệu, nàng gặp lại bố mẹ và chồng con, nhưng sau đó nàng lại bỏ đi. Với tính phóng khoáng, tung tích vô định, lúc làm bà già chống gậy, lúc làm cô gái thổi sáo, nàng đi khắp đất nước.
Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh trong tín ngưỡng dân gian “tứ phủ” bởi một mặt Liễu Hạnh tượng trưng cho tinh thần giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền, mặt khác trong tâm thức dân gian bà chúa có thể ban phước hoặc giáng họa cho con người ở trần gian này.
Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về Tứ Bất Tử, về Mẫu Liễu Hạnh và Phủ Tây Hồ. Người đi tiên phong trong việc tạo thần là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748). Với ngòi bút tài hoa của mình, Hồng Hà nữ sĩ làm cho mọi người tin Trạng Bùng gặp tiên ở hồ Tây là thực: Vào một ngày hè đẹp trời, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan rủ Cử nhân họ Ngô và Tú tài họ Lý lãng đãng đi chơi hồ Tây. Ba vị say sưa ngắm cảnh, uống rượu, ngâm thơ. Họ cứ theo bờ bên đông mà đi, chẳng bao lâu đã đến ấp Tây Hồ. Từ xa hiện ra lâu đài mờ ảo lẫn trong sương nào khác bồng lai tiên cảnh. Trước lâu đài đề bốn chữ “Tây Hồ phong nguyệt” (gió trăng Tây Hồ). Vừa hay có một mỹ nữ mặc áo hồng hiện ra mời chào khách vào thăm quán, thưởng thức món cá đặc sản của Tây Hồ. Hỏi ra Trạng Bùng biết đây là quán của Liễu Hạnh Công chúa. Họ vào quán và được chủ tươi cười niềm nở đón tiếp, cùng nhau ngâm vịnh đến khuya mới chịu chia tay.
Vài tháng sau, thày trò Trạng Bùng lại đến ấp Tây Hồ nhưng không thấy lâu đài nhà cửa gì cả, chỉ thấy hồ nước mênh mang, trúc reo, liễu rủ. Họ chợt tỉnh ngộ vài tháng trước đã gặp tiên, tỏ ra luyến tiếc vô cùng.
Chuyện gặp tiên, nhớ tiên cho xây lầu Vọng Tiên đã có tiền lệ từ thời Lê Thánh Tông. Nay họ Phùng gặp tiên nhớ tiên cho xây Phủ Tây Hồ là học theo người trước mà thôi.
Về mặt kiến trúc Phủ Tây Hồ hoàn toàn mang phong cách hiện đại, chất liệu bê tông giả gỗ. Phủ chia làm hai tòa riêng biệt.
PHỦ CHÍNH
Phủ chính gồm một tòa nhà nối liền nhưng được chia làm ba theo kiểu chữ tam. Tiền tế thờ công đồng, trung tế thờ vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế và Tam tòa thánh mẫu (thờ tượng). Ba vị thánh mẫu là Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải.
Theo quan niệm Tam phủ thì: Cai quản Thiên Phủ có Thiên quan, Thiên quan tích phúc (ban phúc lộc cho con người). Cai quản Địa phủ có Địa quan, Địa quan xá tội (xá bỏ tội lỗi cho con người). Cai quản Thủy Phủ có Thủy quan, Thủy quan giải ách (cởi bỏ mọi chướng ngại khó khăn cho con người).
Với sức mạnh thần bí ban phúc, xá tội, giải ách, tín ngưỡng Tam phủ quả hấp dẫn với bất cứ ai.
Hơn nữa tín ngưỡng Tam phủ đều tôn thờ vua cha Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng là vị thần tối cao trên Thiên đình cai quản tam giới, cai quản bách thần. Táo phủ Thần quân là thần theo dõi việc làm thiện ác của từng người, từng hộ. Hàng tháng vào ngày cuối, Táo thần lại lên tâu với Ngọc Hoàng về hành tung của từng người trong tháng. Nam Tào, Bắc Đẩu có nhiệm vụ ghi lại, theo dõi, đề trình lên Ngọc Hoàng để ban thưởng cho người nào làm việc thiện, trừng trị kẻ nào gây tội ác.
Ngọc Hoàng uy nghiêm là thế, nhưng với tâm linh của người tín ngưỡng Tam phủ thì Ngọc Hoàng cũng có xương có thịt, có vợ có con. Vợ Ngọc Hoàng là Tây Vương Mẫu. Con Ngọc Hoàng là Liễu Hạnh Công chúa. Do đánh vỡ chén ngọc mà con gái út của Ngọc Hoàng bị đày xuống làm dân thường ở làng Vân Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nước Đại Việt để tu luyện. Sau do luyến tiếc cảnh đẹp nước Nam, nàng lại lẻn xuống trần gian để thưởng ngoạn, khi ở Quảng Bình, Nghệ An, lúc ở Thanh Hóa, Lạng Sơn, cuối cùng nàng đam mê phong cảnh Tây Hồ hơn bất cứ ai.
ĐIỆN SƠN TRANG
Điện Sơn Trang xây dựng tu tạo năm 2006 xây bằng chất liệu bê tông, mái trên bằng gỗ làm theo kiểu chồng diêm hai tầng mái ngói, là nơi thờ chúa Đệ Nhị Thượng Ngàn, hai Chầu gồm Chầu Lục và Chầu Bé, cùng 12 cô Sơn Trang các quan hoàng quan quận Dưới Hạ Ban Thờ quan ngũ Hổ (quan Năm Dinh)
Điện Sơn Trang không nên hiểu đơn thuần là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Mà Điện Sơn Trang ở Phủ Tây Hồ nếu suy rộng ra là sơn lâm nước Việt, thu nhỏ lại là núi non Hương Tích, núi non Tây Hồ. Tiên, Phật bao giờ cũng gắn với non xanh nước biếc linh thiêng, giang sơn kỳ tú. Chính vì thế ở các phủ, các điện có thờ Phật cũng là điều dễ hiểu.
“Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Cha là Trần Hưng Đạo, mẹ là Liễu Hạnh Công chúa. Cha và mẹ là cha mẹ trong tâm linh tôn giáo, không nên hiểu theo nghĩa dung tục.
Hàng năm cứ vào ngày mồng 3 tháng 3 và 13 tháng 8 âm lịch, tại Phủ Tây Hồ đều mở hội tế lễ. Lễ hội này đã có từ xưa, mấy năm gần đây càng trở nên hưng thịnh. Có thể nói lượng người đến cầu khấn, thăm viếng tại phủ ngày càng nhiều, không lúc nào ngừng.
Phủ Tây Hồ cùng với Phủ Giầy ở Nam Định, Đền Sòng ở Thanh Hóa, Đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn và các đền Tam tòa Thánh Mẫu ở các chùa được xây dựng để tôn thờ Tam phủ, tôn thờ ba vị Thánh Mẫu. Ba vị Thánh Mẫu tuy ba mà một, đấy chỉ là hóa thân của Mẫu Liễu mà thôi. Mẫu Liễu là một Thiên tiên, một nhân vật hư cấu không có thật. Mẫu trở nên linh thiêng hơn qua cách nhìn của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, linh thiêng hơn bởi chúng ta ai cũng mong làm điều thiện, bỏ điều ác, cầu khấn trước Mẫu, trước tâm linh hư vô của mình, mong được ban phúc, xá tội, giải ách.
Phủ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 310/QĐ ngày 13/02/1996./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh