phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
Giới thiệu
Phú Thượng là vùng đất cổ ven đô, từ lâu đã gắn bó với Thăng Long - Hà Nội. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhân dân đã cần cù lao động xây dựng làng xóm quê hương tạo nên truyền thống văn hóa kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm thành Thăng Long khoảng chừng mươi dặm có một ngôi làng cổ với tên gọi là Phú Gia, còn tên Nôm là làng Gạ. Triều Nguyễn, Phú Gia thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Ngày nay theo chỉ giới hành chính thì làng nằm trọn trong phường Phú Thượng được hợp bởi ba ngôi làng cổ Phú Gia (làng Gạ) ở giữa, Thượng Thụy (làng Bạc) ở phía Tây và Phú Xá (làng Xù) ở phía Đông.
Từ khi được tiếp nhận ánh sáng cách mạng, Phú Thượng trở thành an toàn khu của Trung ương Đảng, đã nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng và là nơi đầu tiên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô. Trải qua bao năm tháng, nhân dân Phú Thượng đã xây dựng làng xóm quê hương tạo nên mảnh đất này một vùng văn hóa cổ. Cho đến ngày nay còn bảo lưu những ngôi đình, chùa cổ kính, như: đình Phú Gia, chùa Bà Già, đình Thượng Thụy, đình chùa Phú Xá… vẫn mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền.
Đình Phú Gia nằm ở trung tâm của làng sát quốc lộ 23 (nay là đường An Dương Vương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 9km về phía Tây Bắc. Muốn đi tới di tích thuận lợi, khách tham quan có thể đi theo tuyến đường sau: Từ trung tâm Thành phố (Bưu điện Bờ Hồ) đi theo các phố Lê Lai – Trần Quang Khải – Trần Nhật Duật – Yên Phụ - Nghi Tàm – Âu Cơ và dừng lại ở ngõ 209 đường An Dương Vương là đến đình Phú Gia.
Đình Phú Gia thờ vị tướng thời Vua Hùng Vương thứ 6 đã có nhiều công lớn trong việc đánh giặc cứu nước làm thành hoàng làng. Căn cứ theo cuốn thần tích, sắc phong và truyền thuyết dân gian còn lưu giữ tại đình Phú Gia, lai lịch vị thần ở có thể tóm tắt như sau:
Thần có tên là Nhự hay còn gọi là “Thần Già La” (cũng chính là tên của dòng sông sau có tên là Thiên Phù) tục gọi là Thần Khai Nguyên. Thời vua Hùng Vương thứ 6, ông cầm quân đi đánh giặc, bị giặc Ân chém vào cổ ngả đầu về một bên nhưng vẫn phi ngựa về đến đầu làng, cạnh vườn Hồng, nơi có cây đa to cạnh quán hàng nước, ngài bèn hỏi bà hàng nước: “Cổ tôi thế này liệu còn sống được không”, bà hàng nước xem và trả lời: “Ngài có là người nhà trời thì mới sống được”. Sau đó ngài phi ngựa đi được một quãng về đến đầu làng thì tắt thở, sau khi ngài qua đời dân làng Phú Gia lập đền thờ để ghi nhớ công trạng của ngài; câu chuyện đó còn truyền tụng ở địa phương cho đến ngày nay và kiêng từ người “chết” phải nói là người “chít” cũng từ đó.
Hàng năm dân làng rước bài vị từ đình về cây đa đầu làng để làm lễ tế thần, các triều đại về sau đều sắc phong thần là “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.
Theo thần tích làng Phú Gia và một số sách khác viết: Viên quan thời Đường là Lư Anh sang đô hộ nước ta đóng đồn ở Thôn An Viễn khoảng giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liêm. Một hôm đi chơi thấy chỗ đất này bằng phẳng rộng rãi, cây cối tốt tươi, có sông Già La tổ sơn dẫn mạch, địa thế tuyệt đẹp. Lư Anh sai lập phủ lỵ và dựng đền ở giữa thờ Huyền Thiên Đế Quân. Một đêm Lư Anh mộng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo rằng: “Quán này nên đặt là Khai Nguyên dựng bia để biểu dương công đức của Thần”. Khi Lư Anh thức dậy theo lời cụ già bèn đặt tên quán, tên thôn, dựng bia để nêu rõ công trạng của vua Khai Nguyên đời Đường. Trải qua các triều đại đền rất linh thiêng gọi tên là quán Già La hay còn gọi là Thần Già La.
Vậy thần Già La chính là bản cảnh Thành hoàng. Già La là tên đất, tên sông thời cổ. Thần Già La còn gắn liền với vị anh hùng dân tộc đã theo Phù Ðổng Thiên Vương đi đánh giặc Ân rồi bị hy sinh. Thần đã có công đánh giặc ngoại xâm lại âm phù giúp nước, giúp dân trừ giặc giã thiên tai đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn dân.
Theo cuốn thần phả: “Bản xã thần ký” hiện còn lưu giữ tại đình thì đại vương là Thổ thần.
“… Lúc bấy giờ đê bị nước dâng lên ngập lụt, đời sống nhân dân cơ cực, khi ấy Thổ thần linh ứng báo mộng rằng: “Ta sẽ âm phù cứu người, cứu dân, cứu nước”. Nạn hồng thủy mà các triều thần không hàn gắn nổi tấu biểu lên nhà vua, quan Khâm sai nhận chỉ về lập đàn tế lễ cầu cứu thành hoàng. Đại vương ứng mộng cho thổ thần sáng hôm sau vào giờ Thìn có một cây gỗ lớn trôi đến nén thế nước từ trên xuống để ngăn dòng nước lũ. Nhân đó vua cho xây dựng miếu thờ Thổ thần. Miếu xây dựng ở thế đất “Hình nhân bái tướng” bên ngoài hoa tươi đầy cửa, bên trong bút nghiên tụ hội, phía đông có dòng nước ngược chầu về, phía bắc có núi tổ dẫn mạch, phía nam có minh đường mở ra cửa khẩu, phía tây thế rùa vàng ngậm châu. Xung quanh ruộng đất chầu về như lá cờ lớn trên gò, bên ngoài thất diệu: (mặt trăng, mặt trời, ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) bao quanh ba vòng cầu vồng tiếp dẫn, ở giữa có giếng chính huyệt. Nhân đó đổi thành xã Phú Gia cho phép nhân dân thờ phụng mãi mãi”.
Về sau các triều đại phong tặng cho thần là tối linh “Thượng đẳng thần” cho khắc bia thờ phụng.
Đến đầu thời Nguyễn, bãi sông Hồng bị sụt lở nhân dân bỏ đi nơi khác sinh sống. Sau khi trở về với phong tục thuần hậu liền bắt đầu xây dựng lại để ghi nhớ công đức của thần. Nhân dân bèn dựa vào quy ước cũ và thần tích trong đình họp bàn xây dựng lại gọi là đình Phú Gia. Về sau các triều vua đã ban sắc phong cho thành hoàng là: “Đại vương là bậc Thượng đẳng thần ơn sâu như biển, thấm nhuần tới dân, thuận ý trời, hiển linh giúp dân yên vui mãi mãi”.
Hàng năm để tưởng nhớ công đức của đức Thánh, dân làng lấy ngày 10 tháng Giêng (âm lịch) là ngày lễ hội đình làng để tỏ lòng thành kính và cảm tạ Thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng sống thanh bình, hạnh phúc.
Trước đây đình có quy mô nhỏ, đơn giản gồm ba gian hai dĩ, trong những năm gần đây được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, phường Phú Thượng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thăng Long đã đầu tư nhiều tỷ đồng để đại trùng tu lại ngôi đình nên diện mạo đình Phú Gia hiện nay khá bề thế trang nghiêm.
Ngôi đình được xây dựng trên một khu đất khá rộng cao thoáng (trên chính nền ngôi đình cũ) ở trung tâm của làng Phú Gia và quay theo hướng Nam, di tích có tường bao quanh, diện tích khoảng gần 2000 m2. Phía trước là hệ thống các cây cổ thụ: đa, muỗm, si có tuổi đời hàng trăm năm tạo không gian mát mẻ trang nghiêm, cổ kính cho ngôi đình.
Ngoài cùng là ao đình hình vuông (hình chiếc Ấn), diện tích khoảng 300m2, mùa hè được thả hoa sen tỏa hương thơm ngào ngạt tạo không gian thông thoáng tươi đẹp cho ngôi đình.
Nghi môn (hay còn gọi là Cửa Nghè): Là một nếp nhà ngang ba gian làm bằng gỗ khá độc đáo, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đình, đầu của hồi nóc xây cong hình mũi thuyền. Phần trên của các bờ dải cũng được làm cao khoảng 30cm, đầu mũi được tạo cong là đến sân gạch dài dẫn vào khu thờ tự, sân đình được chia thành nhiều cấp khác nhau, dọc hai bên sân có hai hàng cây cổ thụ gần nhà tả hữu mạc.
Công trình kiến trúc chính của đình Phú Gia gồm: đại đình và hậu cung. Tòa đại đình gồm 5 gian mới được chính quyền và nhân dân tu bổ lại trong thời gian gần đây (dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) bằng gỗ trên các bộ vì được thể hiện kiểu chồng rường, tiền kê, hậu bẩy. Mái lợp ngói ta, các góc mái được thể hiện các đầu đao cong hình đầu rồng hướng ngược về nóc mái. Phía trước là hệ thống cửa bức bản bằng gỗ. Tòa đại đình Phú Gia được làm trên nền cao với 5 bậc đá từ sân đi lên. Toàn bộ kết cấu của ngôi đình sau khi được trùng tu tôn tạo, thì bộ khung từ nghi môn, tiền tế, trung đường, hậu cung và hai bên tả mạc, hữu mạc đều được làm bằng gỗ tứ thiết (gỗ lim) gồm có 4 bộ vì kèo (2 bộ vì kiểu thượng rường, 1 bộ vì kèo suốt, 1 bộ vì giá chiêng) đình cao khoảng 60 cm so với mặt sân. Nhà đại đình được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc chạy thẳng chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng được làm đơn giản, đuôi xoắn, vây lưng và bờm nhọn. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau.
Hậu cung gồm 3 gian nhà ngang, làm kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nền nhà lát gạch, bộ khung nhà làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang, bào trơn bóng bén, phía trước mặt là hệ thống cửa bức bàn gỗ. Gian chính giữa ở vị trí trung tâm đặt long ngai, bài vị ngai thờ và tượng thờ của thành hoàng làng.
Đình Phú Gia còn lưu giữ được hệ thống di vật phong phú đa dạng về thể loại và chất liệu như: Hệ thống các thần phả, chuông đồng, ngai thờ, kiệu gỗ, cửa võng, hoành phi, câu đối, phỗng thờ, long ngai, bài vị mang giá trị văn hóa, khoa học và thẩm mỹ cao cùng 16 đạo sắc phong (bản gốc) có niên đại trải dài qua các thời kỳ Lê – Nguyễn. Sắc có niên đại sớm nhất Thịnh Đức Lê Thần Tông đề ngày 06/7/1655. Đặc biệt trong đình còn bảo lưu bài vị thời Mạc bằng gỗ sơn son thếp vàng thì không nơi nào có. Các di vật này là nguồn tư liệu thành văn bản vô cùng quý giá góp phần lớn trong việc tìm hiểu về lai lịch các vị thần trong hệ thống thần điện của người Việt cũng như quá trình phát triển của đình làng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước.
Đình Phú Gia là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật giúp cho các nhà nghiên cứu có thể xác định giá trị đích thực của di tích tóm lại những ý nghĩa chính xác về quá khứ bao gồm: 02 cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần; 16 đạo sắc phong bản gốc, trong đó có 08 đạo thời Lê, 01 đạo thời Tây Sơn và 03 đạo thời Nguyễn, ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự có giá trị.
Từ xưa đến nay đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương, là nơi giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn. Hình ảnh ngôi đình trở nên quen thuộc gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân. Đình vừa là nơi thờ tự những vị thần có công với dân với nước, đồng thời là nơi hội họp của các cụ cao tuổi trong làng để bàn những việc của làng xã và là nơi diễn ra lễ hội hàng năm.
Với tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu đã nêu trên, đình Phú Gia đã đóng góp không nhỏ trong việc nghiên cứu sự phát triển của đình làng Việt, vì thế đình Phú Gia đã được Bộ Văn hóa thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia tại Quyết định số 53/2001/QĐ/VHTT ngày 28/12/2001./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh