phường Phú Thượng, quận Tây Hồ
Giới thiệu
Phú Thượng là vùng đất cổ ven đô, từ lâu đã gắn bó với Thăng Long – Hà Nội. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhân dân đã cần cù lao động xây dựng làng xóm quê hương tạo nên truyền thống yêu nước kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Từ khi được tiếp nhận ánh sáng cách mạng của Đảng, Phú Thượng trở thành an toàn khu của Trung ương Đảng, đã nuôi giấu bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và là nơi đầu tiên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô.
Nhà cụ An (trước đây) thuộc thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ được Thành phố lưu giữ làm di tích lưu niệm Bác Hồ từ năm 1996. Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều di tích lưu niệm Bác Hồ nhưng nhà cụ An thôn Phú Gia là điểm dừng chân đầu tiên của Bác từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phú Thượng có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ nối liền Hà Nội với các tỉnh xung quanh, đồng thời có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy rất thuận lợi nên đã được Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu của Trung ương Đảng giai đoạn 1941 - 1945. Nói về việc chọn vị trí An toàn khu (ATK) đồng chí Trường Chinh viết:
Đừng ở chốn sơn lâm cùng cốc
Hãy tạo khu an toàn ngay cạnh Thủ đô
Nắm vững địch tình, bắt mạch phong trào quần chúng
Còn đâu tuyệt diệu hơn đây
Xuân Đỉnh, Phú Gia, Ngọc Giang, Viên Nội
Những tiền đồn đánh Nhật đuổi tây…
(Trích trong bài thơ đồng chí Trường Chinh tặng xã Xuân Đỉnh khi đồng chí về thăm xã ngày 8/2/1981 – Lịch sử cách mạng huyện Từ Liêm, trang 66-67).
Phú Gia, Phú Xá vốn là cơ sở cách mạng của Đảng từ năm 1941 - 1945 nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng, nhân dân sớm được giác ngộ một lòng theo cách mạng, đã nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí thường vụ Trung ương Đảng, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như: đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng… Các đồng chí đó đã đi lại, ăn ở, hội họp trong nhiều gia đình cơ sở ở hai làng (Phú Gia và Phú Xá) trong suốt 5 năm được an toàn. Gần như không một đồng chí nào bị bắt, không một vụ việc nào làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng.
Phú Gia, Phú Xá còn được Trung ương Đảng đặt in báo Cờ giải phóng, trạm liên lạc với các cơ sở của xứ ủy, tỉnh ủy trong cả nước. Bến đò Phú Xá là đầu mối giao thông nối liền hai bờ bắc và nam sông Hồng trong An toàn khu của Trung ương Đảng. Nhân dân địa phương đã chở đò và bảo vệ rất nhiều cán bộ của Đảng đi qua lại sông Hồng được an toàn.
Phú Thượng đã nhiều lần tổ chức mít tinh quần chúng tại bãi giữa sông Hồng để nghe các đồng chí Lê Đức Thọ và Hoàng Tùng nói chuyện, tổ chức Việt Minh phát triển tự vệ bí mật, luyện tập quân sự lấy súng đạn trong các trại lính của Pháp để vũ trang cho mình, tước đoạt 6 thuyền thóc của Pháp trên sông Hồng để cứu đói.
Xuất phát từ những căn cứ trên đây, các đồng chí Thường vụ trung ương Đảng đã chọn nhà cụ An thôn Phú Gia là một cơ sở An toàn khu Trung ương, làm nơi Bác Hồ dừng chân trước khi đón Bác về Hà Nội.
Trong cuốn “Những lần đón Bác” đã ghi rõ: Cuối tháng 8, sau khi giành được chính quyền, nhân dân Hà Nội đang chờ đón Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới ra mắt. Bức thư của cụ Nguyễn Ái Quốc gửi về kêu gọi đồng bào vùng dậy phá tan xiềng xích nô lệ đã được mọi người truyền cho nhau đọc, khiến ai cũng ước mong được đón cụ về nước”.
Bến đò Phú Xá, một số anh chị em cán bộ và tự vệ ở địa phương đang ngóng chờ đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Khoảng 4 giờ chiều mặt trời xế bóng, một chiếc thuyền đinh có mui cập bến Phú Xá. Đoàn cán bộ lên bờ trong số khoảng hơn chục người trẻ, khỏe có một cụ già mặc bộ quần áo nâu, nước da ngăm đen, râu dài, người gầy, tay chống gậy. Cụ có vầng trán rộng, đôi mắt sáng như sao, tuy cụ gầy nhưng dáng đi nhanh nhẹn. Thấy ông cụ có phong cách lạ thường lại có quân giải phóng mang súng đi bảo vệ, những cụ ra đón đều ngạc nhiên muốn biết ông cụ là ai, nhưng vì nguyên tắc bí mật lúc bấy giờ không cho phép hỏi nên mọi người đều im lặng. Cụ cùng đoàn cán bộ về nghỉ tạm tại trụ sở tự vệ Phú Gia, cụ ngồi nghỉ trên một cây gỗ dưới gốc cây muỗm cổ thụ, hỏi chuyện các cụ già ở địa phương về giá cả, lương thực, thực phẩm và đời sống của dân làng. Anh Khánh (tức đồng chí Hoàng Tùng) từ nội thành về báo cáo với cụ tình hình dư luận về quân tàu Tưởng của Lư Hán về đến Hà Nội. Lúc này, anh em tự vệ đã nấu cơm chín mời cụ ăn. Gần hai chục người ngồi thành ba mâm trên hai chiến phản và trên bàn cùng ăn vui vẻ.
Anh Khánh đã tìm được chỗ nghỉ cho đoàn cán bộ, lúc này trời đã tối anh mời cụ cùng đoàn cán bộ lên làng Phú Gia tạm nghỉ trong nhà cụ An - một gia đình cơ sở của anh Khánh từ trước ngày khởi nghĩa.
Trong cuốn nhật ký “Những năm tháng không thể nào quên” đồng chí Võ Nguyên Giáp đã kể lại: … Tình hình đang khẩn trương, các anh rất mừng, anh Thọ được cử lên chiến khu đón Bác về, anh Ninh cùng tôi lên Phú Gia gặp Bác. Chúng tôi vào làng Gạ, Bác ở trong một ngôi nhà gạch nhỏ nhưng sạch sẽ; chúng tôi bước vào nhìn thấy ngay Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà. Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh, Bác ngồi lắng nghe vẻ mặt điềm đạm. Theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào, Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác làm chủ tịch sẽ trở thành Chính phủ lâm thời… Chúng tôi trở về phố Hàng Ngang trước để chuẩn bị, anh Nhân (tức đồng chí Trường Chinh) lên sau, ở lại đến chiều cùng về với Bác.
Như vậy, trong ba ngày (từ ngày 23/8/1945 đến ngày 25/8/1945) nghỉ tại nhà cụ An ở Phú Gia, Bác Hồ đã làm việc với đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh về kết quả tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Tuyên ngôn độc lập.
Di tích lưu niệm Bác Hồ - nhà cụ An, Phú Gia hiện nay được tôn tạo phục hồi trưng bày sự kiện lịch sử có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng và nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại cho các thế hệ mai sau. Nơi đây là di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ để toàn dân hồi tưởng lại những năm tháng không thể nào quên của dân tộc, với sự kiện vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Di tích nhà cụ An và địa danh Phú Gia - Phú Thượng đã đi vào lịch sử đất nước những ngày cuối tháng 8 năm 1945. Di tích nhà cụ An được bảo tồn và phát huy tác dụng về truyền thống lịch sử là thể hiện sự trân trọng lịch sử, là tấm gương ghi nhớ sâu sắc công ơn trời biển của Bác Hồ kính yêu với nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước. Di tích lưu niệm sự kiện nhà cụ An còn là bằng chứng sinh động góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật cũng như sách lược tài tình của Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo toàn dân giành chính quyền non trẻ mới ra đời; đặc biệt là công tác bảo vệ an toàn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong hoạt động bí mật cũng như công khai luôn đảm bảo nguyên tắc nghiêm minh nhưng thật giản dị, bất ngờ.
Nhà cụ An nơi Bác Hồ nghỉ lại trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng những tình cảm yêu thương sâu nặng của Bác đối với nhân dân địa phương còn lắng đọng mãi qua nhiều thế hệ. Đảng bộ và nhân dân Phú Thượng luôn ghi nhớ những hình ảnh, cử chỉ cùng những lời căn dặn ân cần của Bác và không ngừng phấn đấu để không phụ lòng mong mỏi của Bác./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh