Giới thiệu
Chùa Bà Già nằm ở phía tây bắc hồ Tây, cách trung tâm Thành phố khoảng 9km. Chùa có tên gọi theo địa danh thôn là chùa Phú Gia. Hiện nay chùa thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Phú Thượng là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm với những tên làng cổ xưa như: Kẻ Xù là làng Phú Xá, Kẻ Gạ là làng Phú Gia, Kẻ Bạc là làng Thượng Thụy. Ba làng hợp nhất thành một xã lấy tên là xã Phú Thượng. Thời Lê, xã Phú Gia thuộc tổng Phú Gia, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1945, xã thuộc về “Đại lý đặc biệt Hà Nội”. Đến năm 1955 đổi là xã Phú Thượng, thuộc quận V, ngoại thành Hà Nội. Năm 1961, xã thuộc huyện Từ Liêm. Đến tháng 12 - 1995, xã Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.
Xa xưa làng Phú Gia có tên là Bà Già hương, sau đổi thành An Dưỡng phường. Đến thời Trần, nhà vua huy động nhân dân phường An Dưỡng xuống sửa lại Bến Đông Bộ Đầu và đắp thành Đại La để chống quân Nguyên xâm lược nên mới đổi tên là làng Phú Gia.
Chùa Bà Già nằm bên bờ hữu ngạn sông Hồng, cách cầu Thăng Long khoảng 1km về phía hạ lưu. Chùa là một công trình kiến trúc Phật giáo khá sớm. Từ thời Lê, chùa đã có quy mô to lớn nổi tiếng, nên có câu ca:
Thứ nhất là Chùa Bà Đá (Hoàn Kiếm)
Thứ nhì là Chùa Bà Đinh (Thụy Khuê)
Thứ ba là Chùa Bà Già (Phú Thượng)
Về tên gọi Chùa “Bà Già” ở địa phương còn lưu truyền câu chuyện kể rằng: khi ngôi Chùa An Dưỡng bị hủy hoại có hai bà già đã phát tâm bồ đề bỏ tiền của riêng ra xây dựng, tu sửa lại chùa, tạo thêm tượng Phật, dựng gác chuông, đúc lại chuông đồng. Hiện nay tại chùa còn lưu giữ quả chuông, trên thân có ghi: “Trùng tạo trú hồng chung Bà Già tự”.
Sau lần trùng tu này, chùa được mang tên Bà Già tự. Để tỏ tấm lòng biết ơn công đức của hai bà, dân làng đã đặt tên là Chùa “Bà Già” và tạc tượng thờ tại chùa gọi là tượng hậu Phật.
Một số nhà nghiên cứu đã giải thích Bà Già là tên Nôm đã được Việt hóa từ phiên âm tiếng Chăm DaDaLi - ĐiLaLề - có nghĩa là một vùng đất trù phú, bởi vậy Bà Già lại tiếp tục được việt hóa thành Phú Gia (cũng là một vùng đất có nhiều nhà giàu có).
Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng gọi là “Quy bộ đầu”, thế đất hình con rùa nằm ở phía bắc của làng. Chùa quay về hướng nam, bên trái là vườn cây ăn quả và hồ nước rộng, phía sau chùa là đường đê và sông Hồng. Chùa có địa thế và cảnh quan thiên nhiên khá đẹp, nằm sát đường đê sông Hồng, cách cầu Thăng Long khoảng 1km về phía hạ lưu. Đây là một điểm di tích khá hấp dẫn trong tuyến thăm quan di tích: Chùa Kim Liên - Phủ Tây Hồ - Di tích Cách mạng Nhà Bà Hai Vẽ - Chùa Bà Già - Đình Vẽ - Đình Chèm…
Tư liệu trên tấm bia “Bà Già tự bi ký” dựng tại chùa cho biết chùa được trùng tu lớn vào tháng hai tiết xuân năm Dương Hòa thứ hai (1636). Bài văn trên quả chuông “Trùng tạo trú hồng chung Bà Già tự” niên hiệu Chính Hòa thứ 16 (1695) cho thấy: Chùa Bà Già được xây dựng trước năm 1636. Đến nay chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Chùa có bố cục mặt bằng kiểu chữ “Công”. Từ ngoài vào chùa có các công trình: Cổng tam quan, nhà tiền đường, thượng điện, nhà thờ tổ, thờ mẫu, tăng phòng, hai nhà dải vũ, công trình phụ. Các công trình được bố cục hài hòa trong một không gian rộng thoáng, những nếp nhà cổ ẩn mình dưới những tán cây xanh mát mẻ.
Tam quan chùa làm kiểu gác chuông, mái chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói ta, cửa mở thông bốn phía, tám đầu đao đắp hình hồi long, vì kèo đỡ mái bằng gỗ kiểu đơn giản “chồng rường” trang trí bào trơn, kẻ soi. Tầng trên treo quả chuông lớn.
Qua tam quan đến vườn và sân chùa lát gạch vuông. Liền phía sau sân là chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh.
Nhà tiền đường bẩy gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, phía trước hai hồi xây hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp hình hồi văn cách điệu thành hình bốn con phượng, đầu quay bốn hướng. Bộ khung đỡ mái gồm tám bộ vì làm kiểu “chồng rường - giá chiêng”. Mặt bằng nội thất gồm sáu hàng chân cột gỗ, cột làm kiểu “thượng thu - hạ thách” đặt trên các chân tảng tạo kiểu quả bồng cao 41cm. Nền nhà lát gạch vuông 20cm x 20cm. Hai bức cốn với kỹ thuật chạm nổi chau chuốt, nghệ nhân xưa đã thể hiện thành công đề tài quen thuộc thường gặp ở các công trình kiến trúc cổ như: “tùng, cúc, trúc, mai”. Các đầu bẩy chạm hình hoa và vân mây.
Tòa thượng điện gồm ba gian được làm nối liền với nhà tiền đường, xây dọc về phía sau kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung nhà làm bằng gỗ lim một vì kèo nối liền với gian giữa nhà tiền đường. Mặt bằng gồm bốn hàng chân cột gỗ tròn đỡ mái. Có bốn bộ vì kèo đỡ mái làm kiểu “chồng rường”. Nền nhà lát gạch vuông.
Tượng thờ trong tam bảo Chùa Bà Già được bài trí, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc của giáo lý Đạo Phật như ở các ngôi chùa khác.
Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ bộ di vật khá phong phú và đa dạng gồm: 58 pho tượng tròn, trong đó tượng Phật gồm 46 pho, tượng tổ 1 pho, tượng mẫu và các tượng khác 11 pho. Các pho tượng đều được tạo tác công phu, tinh xảo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII-XVIII-XIX.
Ngoài ra, chùa còn giữ được một số hiện vật: Hai quả chuông, trong đó có chuông “Trùng tạo trú hồng chung Bà Già tự” niên hiệu Chính Hòa thứ 16 (1695). Chuông cao 146 cm cả quả, đường kính rộng 86 cm, bốn mặt chuông khắc chữ Hán, dòng chữ trên chuông khắc trong hình lá đề, chuông có sáu núm, núm chuông trang trí các chấm tròn.
Quả chuông kia nhỏ hơn làm vào ngày lành tháng 8 năm Mậu Thìn niên hiệu Bảo Đại thứ ba (1928), có đường kính 30cm, cao 60cm do phật tử Nguyễn Toàn tiến cúng. Một bộ tam sự bằng đồng thuộc thế kỷ XIX, một bát hương đồng.
Đồ gỗ có 10 đôi câu đối sơn son, trong đó có hai đôi hình lòng mo phủ gấm. Các câu đối của chùa có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và ca ngợi Phật pháp. Bốn bức hoành phi, một cỗ kiệu long đình.
Tám tấm bia đá được tạo tác bằng đá xanh trắng mịn. Trong số đó có tấm bia lớn nhất ghi “Bà Già tự bi ký” cao 90cm, rộng 51cm, dày 15cm, bia niên hiệu Dương Hòa thứ hai (1636). Trán bia trang trí hình rồng chầu mặt trời, diềm thân trang trí hoa cúc dây.
Với tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu đã nêu trên, chùa Bà Già đã được Bộ Văn hóa thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia tại Quyết định số 2996-QĐ/VH ngày 05/11/1996./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
1.31Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
1.36Km