Giới thiệu
Theo Việt điện u linh của Lý Tế Xương ở thế kỷ 14 khi viết về chùa Khai Nguyên đã ghi lại: “Trong thời Khai Nguyên (713 – 739) nhà Đường, thứ sử Quảng Châu tên là Lư Ngư sang làm đô hộ bên ta, đóng tại thôn An Diễn, khoang giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liêm, thấy đất chỗ này bằng phẳng, rộng rãi, cây cối tươi tốt, phía sau có sông Già La, địa thế càng đẹp, ngư mới sai lập phủ huyện và dựng đền, giữa thờ thần vị Huyền nguyên đế quân.
Một đêm Lư Ngư mộng thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ đến bảo Ngư rằng: Quán này nên đặt tên là Quán Khai Nguyên, thôn này cũng đổi tên là thôn Khai Nguyên. Ngư thức dậy, theo lời đặt tên quán, tên thôn và dựng bia ghi, rồi lại dựng một đền đặt tượng thần thổ địa để nêu công đức. Đền ấy đặt tên là Già La quán, cầu thảo đường linh ứng, hương khói quanh năm. Đến hồi đầu năm Thiệu Long (1258) đời nhà Trần, sư Văn Thảo dựng lại đền, đổi làm chùa... Từ đó, sứ các nơi đến họp, người xa gần đến lễ và ngoạn cảnh rất đông, xe ngựa thường đi chật đường không ngớt...
Về kiến trúc, Chùa Quán La cũng giống như các chùa khác, được phân bổ cổng, vườn, sân, chùa chính, nhà bia, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà trai và vườn tháp.
Chùa có ba hệ thống tượng đó là tượng Phật, tượng Mẫu và tượng Hậu với tổng số 37 pho tượng ở Tam bảo và hai động tượng lớn, 13 pho ở nhà Mẫu, 5 pho ở nhà Tổ được bài trí như sau:
Hàng thứ nhất là bộ tượng Tam thế phật, bộ tượng này là đại diện của 3000 vị phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Pho giữa tượng mặc áo cà sa ngồi kiết già với tóc bụt ốc, bệ của tượng khá đẹp với ba lớp cánh sen nổi có niên đại thế kỷ 18.
Hai bên của Tam thế phật là hai tượng Thích ca khác nhau ở hai kiểu dáng để tay, có đài sen giống đài sen của Tam thế phật.
Hàng thứ ba là tượng A di đà ngồi tọa thiền. Đây là pho tượng đẹp nhất của chùa có niên đại thế kỷ 18.
Hàng thứ 4: Tượng Di lặc và Tuyết sơn. Hai pho này rất đẹp có niên đại ở thế kỷ 19 song đã vượt qua ý nghĩa tượng trưng để khuôn mặt có nét chân dung mặc dù vẫn tạo thế má, mũi, môi khiến cho tư tượng đạt giá trị điêu khắc cao.
Sát hai bên tường bên của Phật điện là 10 vị Diêm Vương. Tượng đội mũ bình thiên, mặc áo vân cầm... mỗi vị một vẻ khác nhau.
Ngoài tiền đường là hai tượng Khuyến thiện và Trừng ác ở thế đứng tựa vào mãnh sư.
Hai đầu hồi tiền đường là hai động tượng lớn.
Chùa Khai Nguyên được xây dựng và phát triển từ rất lâu đời, cách đây hàng ngàn năm, có nhiều giá trị về cổ sử, có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật cùng với một cảnh quan thoáng đẹp đã hòa quyện vào nhau, là trung tâm đoàn kết dân cư trong vùng, là nơi giáo dục con người hướng về cái thiện, khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước. Chùa được tu bổ, tôn tạo quy mô lớn vào năm 2015.
Chùa đã được Bộ Văn hóa thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31/01/1992./.
Hiện vật
Địa điểm xung quanh
số 10 ngõ 690 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
1.4Km
số 43C, ngõ 497, cụm 2, tổ 15 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội
0.69Km